(VnMedia) - Các bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa cứu sống một bệnh nhân viêm phổi nặng vì nhiễm cúm A/H1N1 sau gần bốn tháng nằm viện bằng phương pháp trao đổi khí oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Đây là bệnh nhân đầu tiên được điều trị thành công bằng phương pháp ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1H1 được điều trị bằng kỹ thuật ECMO
Phó giáo sư Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân Trịnh Xuân Tư, 64 tuổi (ở Ninh Giang, Hải Dương) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp tính vì cúm A/H1N1. Khi đó, mọi phương pháp điều trị, kể cả thở máy các bác sỹ áp dụng cho bệnh nhân đều không đáp ứng, diễn biến sức khỏe của bệnh nhân ngày càng nặng.
Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao. Trước đó, ngày 16/4, bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện tỉnh với triệu chứng ho, nhưng chỉ sau một ngày điều trị, phổi đã viêm nặng.
Sau một ngày (17/4), bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi do cúm A/H1N1, có suy giảm miễn dịch nặng và có nấm máu, bội nhiễm nấm phổi.
Bệnh nhân liên tục sốt cao, khó thở, suy hô hấp nặng, các bác sỹ đã áp dụng các kỹ thuật thở máy cao cấp nhưng không đáp ứng.
Sau ba ngày điều trị tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân tiếp tục tăng lên, suy hô hấp nặng, diễn biến lâm sàng tiếp tục xấu, tiên lượng tử vong trên 80%. Do thở máy không đáp ứng, các bác sỹ quyết định can thiệp bằng ECMO.
Theo phó giáo sư Kính, kỹ thuật ECMO là một kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy để rút máu bệnh nhân ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp ôxy và thải CO2, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim bệnh nhân. Đây là phương pháp đem lại cơ hội sống cho những bệnh nhân bị tổn thương chức năng phổi, tim nặng do nhiều bệnh lý khác nhau.
Sau 11 ngày thở ECMO, phổi của bệnh nhân đã hồi phục một phần, bệnh nhân được cai máy EMI và tiếp thục thở máy. Sau gần 20 ngày bệnh nhân được cai máy thở, sức khỏe đã dần hồi phục.
Thạc sỹ Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa Cấp cứu cho hay, cúm A gây tổn thương toàn bộ hai bên phổi của người bệnh và khả năng trao đổi ôxy rất thấp. Những ca như thế này bệnh viện đã từng gặp trước đây và đã có trường hợp bệnh nhân thở máy thất bại, dẫn tới tử vong.
Theo thạc sỹ Cấp, việc phương pháp ECMO được áp dụng thành công tại bệnh viện đã mở ra phương thức điều trị mới cho những bệnh nhân thở máy thất bại, nhất là khi ngành y tế đối mặt với nhiều dịch bệnh như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, dịch MERS CoV, dịch Ebola…
Ý kiến bạn đọc