(VnMedia) - Ngộ độc thức ăn là các trường hợp nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn do thức ăn gây ra. Thức ăn có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình bảo quản, chế biến hoặc bản thân thức ăn chứa độc chất như một số thịt, cá, con cóc, quả dứa, củ sắn...
ThS. Bùi Quỳnh Nga cho biết, có 3 loại nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn: một là ngộ độc histamin, do thức ăn có chứa độc chất như cá ngừ, cá nóc, cóc hoặc do thức ăn gây dị ứng như dứa, lạc...; hai là nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn: do thức ăn nhiễm các loại vi khuẩn như Clotridium Botilium, Samonella, Shigella, tụ cầu, phẩy khuẩn tả; ba là ngộ độc do thức ăn nhiễm nấm.
Tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc mà có các triệu chứng khác nhau. Thông thường, các triệu chứng ngộ độc thức ăn là: buồn nôn và nôn mửa; ỉa chảy, ỉa nhiều lần và phân lỏng; nổi mẩn ngứa, mề đay khắp người; nếu ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị truỵ tim mạch, khó thở dạng hen phế quản. Xét nghiệm mẫu thức ăn lưu nghiệm, cấy phân có thể xác định được tác nhân gây bệnh.
Ảnh minh họa.
Cách xử lý cấp cứu người ngộ độc thức ăn
Cấp cứu bệnh nhân: việc trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra cho hết chất đã ăn vào dạ dày bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, tẩy ruột, ngăn cản sự hấp thu chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Gây nôn: để tống thức ăn ra ngoài, áp dụng trong những trường hợp thức ăn chứa chất độc chưa kịp xuống ruột và còn lưu ở dạ dày. Cách gây nôn thông thường là ngoáy họng. Rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất là 4 - 6 giờ sau khi ăn phải chất độc. Rửa cho đến sạch mới thôi. Thường rửa bằng nước ấm, hoặc khi biết rõ chất độc có thể rửa bằng nước pha thêm thuốc phá hủy chất độc thành chất không độc, thí dụ: ngộ độc sắn dùng dung dịch xanh metylen.
Cho uống thuốc tẩy: khi thời gian ngộ độc tương đối lâu, chất độc có thể còn lưu lại trong ruột, cho uống 15 - 20g magiê sunfat (uống 1 lần để tẩy).
Bảo vệ niêm mạc dạ dày: dùng các chất bột như bột mì, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo... Những chất này không những bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm nhẹ kích thích mà còn có tác dụng bao chất độc, ngăn cản sự hấp thu chất độc vào cơ thể.
Nếu ngộ độc kim loại như chì, thủy ngân... có thể dùng lòng trắng trứng hoặc sữa, hoặc natrisunfat. Ngộ độc kiềm, có thể dùng nước chè đặc hoặc 15 giọt cồn iốt hòa vào một cốc nước cho bệnh nhân uống.
Chất giải độc: có thể dùng thuốc để kết hợp với chất độc thành chất không độc. Thường dùng là hỗn hợp gồm: than bột 4 phần, magie oxyt 2 phần, axittanic 2 phần, nước 200 phần để chống ngộ độc do glucozit, kim loại nặng, axit...
Điều trị nguyên nhân: diệt vi khuẩn bằng thuốc kháng. Nếu bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng thì dùng thuốc kháng sinh mạnh. Điều trị hỗ trợ: truyền dịch, hồi phục thể tích tuần hoàn càng nhanh càng tốt.
Để tránh ngộ độc thì thực phẩm dùng để làm thức ăn phải tươi, không dập nát. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay. Thức ăn không ăn hết cần đun lại rồi mới cất giữ trong tủ lạnh. Khi ăn lại vẫn phải đem đun sôi rồi mới ăn. Loại bỏ những phần nghi là gây độc như bỏ vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc; không ăn khoai tây đã mọc mầm; bỏ da, đầu, ruột, mật cá trước khi nấu...Diệt ruồi, gián, chuột... Không hái nấm ở dọc đường hay trong rừng để ăn. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn hay khi nấu ăn.
Ý kiến bạn đọc