Cấm bán rượu bia sau 22 giờ: Liệu có khả thi?

07:22, 24/07/2014
|

(VnMedia) - Bộ Y tế đang đề xuất đưa ra lấy ý kiến trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia phương án không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ.

Thông tin trên được bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đưa ra trong cuộc gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo chí về việc cung cấp thông tin về dự thảo luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia, về giá dịch vụ y tế tổ chức chiều 23/7 tại Hà Nội.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh và đang ở mức báo động. Lạm dụng rượu bia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và các vấn đề xã hội. Việc sử dụng rượu bia vào giờ khuya là thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại Việt Nam, những thống kê cho thấy, có 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18-24 giờ. Việc uống rượu bia sau 22 giờ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, ồn ào, mất trật tự, là một trong những nguyên nhân phạm tội, gây thương tích.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Ba phương án phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia

Để từng bước hạn chế bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác Bộ Y tế đưa ra 3 phương án để lấy ý kiến trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia.

Phương án 1 với nội dung không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Phương án hai, Bộ Y tế dự kiến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Với phương án này một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Hà Nội sẽ tích cực triển khai trước do nhu cầu bức thiết về tình trạng lạm dụng rượu, bia và an toàn giao thông, các địa phương này có điều kiện để đầu tư nguồn lực triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, sẽ triển khai rộng trong toàn quốc khi có đủ điều kiện và kinh nghiệm thực hiện.

Phương án ba được đưa ra với nội dung chưa quy định thời gian cấm bán rượu bia trong dự thảo Luật.

Đánh giá về phương án này, bà Trần Thị Trang cho rằng, nếu lựa chọn phương ba, kể cả trường hợp tăng cường tuyên truyền thì hiệu quả cũng không cao vì không phải là chế tài bắt buộc. Tình trạng lạm dụng rượu, bia vẫn gia tăng trong thời gian này.

Vì vậy, bà Trang cho hay, với ba phương án dự kiến đưa ra như trên, ban soạn thảo của Dự thảo mong muốn có được sự đồng thuận theo phương án một về việc không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm.

Theo bà Trang, phương phương án một là tối ưu nhất, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia nhưng cân nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện.

Theo một vị đại diện của Bộ Y tế, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, đã có 168 quốc gia, trong đó có 9 quốc gia ASEAN có quy định thời gian cấm bán rượu, bia, đa số là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 hoặc 8 giờ sáng hôm sau.

Bên cạnh đó, để thực hiện các quy định này thì tuyên truyền giáo dục, truyền thông là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Nội dung tuyên truyền về pháp luật, trách nhiệm nghĩa vụ của người thực hiện, vận động người kinh doanh, người dân biết quy định; từ nhận thức đầy đủ đến thay đổi hành vi.

Địa điểm nào sẽ cấm rượu bia sau 22 giờ

Trả lời về việc đia điểm dự kiến nào sẽ bị cấm bán bia rượu sau 22h, đại diện bộ Y tế cho biết, tại các nước thì công viên, bến tàu, bến xe, nhà hàng, quán bar, quán karaoke, tụ điểm vui chơi giải trí... thường bị cấm. Việt Nam sẽ nghiên cứu từng nhóm địa điểm có khả thi nhất.

Về lực lượng giám sát khi triển khai, bà Trang cho biết, đó sẽ là cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, UBND các cấp. Sau khi triển khai các cơ quan chức năng sẽ phải thanh tra giám sát, định kỳ thanh kiểm tra. Bộ sẽ phổ biến tập huấn trước khi triển khai.

Liên quan đến việc làm thế nào kiểm soát trẻ dưới 18 tuổi không mua bán rượu, Vụ Pháp chế cho biết, ở các quốc gia trẻ em dưới 18 tuổi khi đi mua bán rượu đều phải xuất trình chứng minh thư. Trẻ đi một mình thì sẽ không bán. Nếu cơ quan chức năng phát hiện ra sẽ xử phạt mạnh.

Tại Việt Nam, quy định này không phải mới, đây là sự kế thừa luật hiện hành vì đã có trong Luật Bảo vệ trẻ em. Bộ sẽ tổ chức tuyên truyền cho cha mẹ và người kinh doanh.

Tuy nhiên, bà Trang cũng thừa nhận, đây là quy định khó triển khai trong thực tiễn. Trẻ ở lứa tuổi trưởng thành tương đối khó nhận biết, đòi hỏi người bán phải có kỹ năng và người kinh doanh rượu bia có trách nhiệm.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc