(VnMedia) - Tổ chức y tế thế giới (WHO) kêu gọi nhân viên y tế thực hành tốt rửa tay khi chăm sóc bệnh nhân, để bảo vệ họ không bị nhiễm trùng trong các cơ sở y tế.
Ảnh minh họa.
Kết quả ban đầu từ khảo sát toàn cầu mới của WHO xác định, những nhiễm trùng này thường kháng lại thuốc dùng để điều trị chúng. Những nhiễm trùng liên quan đến y tế thường xuất hiện khi các nhân viên y tế sờ vào người bệnh làm lây lan vi khuẩn. Cứ mỗi 100 bệnh nhân nằm viện, ít nhất 7 bệnh nhân ở những nước có thu nhập cao và 10 bệnh nhân ở những nước có thu nhập trung bình thấp sẽ bị nhiễm trùng mắc phải liên quan đến nhân viên y tế.
Trong số những bệnh nhân nặng và những bệnh nhân dễ mắc phải ở đơn vị chăm sóc tích cực, con số này tăng khoảng 30%. Hàng năm, hàng trăm triệu bệnh nhân trên toàn thế giới bị ảnh hưởng do những nhiễm trùng liên quan đến y tế. Việc sử dụng các sản phẩm rửa tay có cồn là yếu tố then chốt để cải thiện bởi vì nó có thể có sẵn để sử dụng tại thời điểm chăm sóc khi cần thiết vệ sinh tay để bảo đảm sự an toàn của bệnh nhân, và nó có hiệu quả kháng khuẩn cao hơn nước và xà phòng.
Cuộc vận động năm nay là: “ SAVE LIVES: Clean Your Hands” (bảo vệ sự sống - hãy rửa tay) có lời kêu gọi: “No action today, no cure tomorrow” (Không hành động hôm nay, ngày mai không thể chữa ).
WHO đã phát hành báo cào toàn cầu về vi khuẩn được phân lập trong các cơ sở y tế gây nên các nhiễm trùng thường gặp như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi và nhiễm trùng huyết là vi khuẩn kháng thuốc MRSA (Methicillin - resistant Staphylococcus aureus hay còn gọi là tụ cầu vàng kháng Methicillin ) tỉ lệ trung bình là 44%, 40% và 38% ở Mỹ latinh, các nước Tây Phi và Châu âu. Và có bằng chứng khoa học rõ ràng là nếu nhân viên y tế vệ sinh tay tốt thì nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc y tế do vi khuẩn kháng thuốc sẽ giảm, đặc biệt là MRSA.
Nhân viên y tế đóng vai trò sống còn trong việc bảo vệ bệnh nhân khỏi bị nhiễm trùng khó điều trị bằng cách thực hiện rửa tay. 5 thời điểm rửa tay theo WHO là:
- Trước khi tiếp xúc với bệnh nhân
- Trước khi thực hiện thủ thuật sạch và vô khuẩn.
- Sau khi tiếp xúc với dịch tiết của cơ thể.
- Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
- Sau khi tiếp xúc với môi trường xung quanh của bệnh nhân.
Nhiễm khuẩn bệnh viện là nhiễm khuẩn mắc phải gặp ở bệnh nhân sau khi nhập viện mà ở thời điểm nhập viện không có hoặc không nằm trong thời kỳ ủ bệnh. Triệu chứng của nhiễm khuẩn bệnh viện có thể xuất hiện sau khi xuất viện .
Tầm quan trọng của nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện
ThS. BS Nguyễn Thị Thanh cho biết, nhiễm khuẩn là một nguy cơ đối với bệnh nhân vì nó kéo dài thời gian nằm bệnh viện cùng với đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân, gây mất thời gian làm việc và thu nhập của bệnh nhân cũng như người nhà.
Ảnh hưởng kinh tế và xã hội của nhiễm khuẩn đối với bệnh viện và cộng đồng là đáng kể. Sự sử dụng rộng rãi kháng sinh điều trị có thể làm tăng sự xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Trong bệnh viện, do sự giảm đề kháng của các bệnh nhân yếu kết hợp với sự gia tăng độ tập trung các chủng vi khuẩn gây bệnh, việc giữ gìn vệ sinh không đúng cách lại càng dễ gây ra các đợt nhiễm khuẩn bùng phát, lan truyền nhanh chóng giữa các bệnh nhân, nhân viên, và thậm chí lan ra cả cộng đồng.
Việc phát hiện, ngăn ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện có tầm quan trọng hàng đầu vì các nhiễm khuẩn này làm bệnh nhân yếu hơn và thậm chí có thể đưa tới tử vong, kéo dài thời gian nằm viện của bệnh nhân, tăng phí tổn nằm viện.
Ý kiến bạn đọc