Bộ Y tế phát động Tháng hành động vì sức khỏe trẻ em

06:38, 26/05/2014
|

(VnMedia)  - Ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức phát động “Tháng hành động vì sức khỏe trẻ em” với nhiều hoạt động tư vấn chăm sóc sức khỏe, vui chơi vận động.

Chiến dịch nhằm kêu gọi toàn xã hội về tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đồng thời tạo sân chơi an toàn và ý nghĩa cho trẻ nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và chào mùa Hè 2014.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát động
“Tháng hành động vì sức khỏe trẻ em”.

Bắt đầu từ 1/6 đến hết 30/6, Bộ Y tế phát động “Tháng hành động vì sức khỏe trẻ em” gồm những hoạt động chính như tuyên truyền để phụ huynh quan tâm hơn nữa sức khỏe của các bé. Bộ Y tế cũng kêu gọi chính quyền các địa phương tích cực hơn nữa để cùng chung tay với ngành Y chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý các ngành chức năng cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu giảm số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi đồng thời tăng cường các biện pháp phòng dịch bệnh mùa Hè và các dịch bệnh khác diễn tiến phức tạp từ đầu năm đến nay như sởi, tay chân miệng, thủy đậu, các bệnh đường hô hấp, sốt xuất huyết...

Bên cạnh đó, việc hạn chế tối đa các tai nạn thương tích của trẻ em thường xảy ra nhiều vào mùa Hè như đuối nước, phỏng, điện giật, côn trùng cắn... cũng cần được quan tâm.

Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ tại các trường học, tại các hộ gia đình có con nhỏ tích cực thực hiện các biện pháp vệ sinh với phương châm 3 sạch: ăn sạch, ở sạch và đồ chơi của trẻ sạch sẽ góp phần chung tay cùng ngành y tế đẩy lùi bệnh tật nói chung và một số bệnh truyền nhiễm nói riêng ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ chiến dịch này, từ ngày 1/6-30/6, các bậc phụ huynh có cơ hội nâng cao kiến thức, nhận thức trong việc nuôi và chăm sóc trẻ đồng thời là dịp để các bé được cân, đo, thăm khám bệnh và được đội ngũ bác sỹ tư vấn các vấn đề về sức khỏe.

* Ở Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm nhanh và bền vững kể từ năm 2000. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 41% (năm 1990) xuống còn hơn 16% (năm 2012), tức là đã giảm được hơn 60% so với năm 1990 trong khi mục tiêu là giảm 50% vào năm 2015. Kết quả này đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi, hoàn thành trước thời hạn 4 năm.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc