(VnMedia) - Năm nay nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài, rất nhiều người có kế hoạch đi du lịch xa hoặc về vùng quê. Trong hành trang của chuyến đi, mỗi gia đình nên chuẩn bị một túi thuốc để phòng khi có bệnh có thuốc sẵn để dùng.
Thuốc chồng say
Nhiều người bị say tàu xe thường sử dụng thuốc chống say. Thuốc chống say thường được uống 30-60 phút trước khi lên tàu xe để thuốc có đủ thời gian tan trong dạ dày, giải phóng hoạt chất và hấp thu vào máu, phát huy tác dụng. Hiện nay đã có loại thuốc chống nôn dạng băng dán, dùng dán lên vùng da sau tai, cần dán từ 6-12 giờ trước khi lên tàu xe. Vì thuốc cho tác dụng toàn thân bằng cách phóng thích hoạt chất xuyên qua da nên phải có đủ thời gian để thấm vào máu của hệ tuần hoàn chung và phát huy tác dụng chống nôn.
Thuốc giảm đau, hạ nhiệt
Thuốc là bùa hộ mệnh rất cần thiết cho mỗi chuyến đi. đặc biệt khi trong đoàn có trẻ em. Thuốc giảm đau và hạ nhiệt là loại thuốc cần thiết. Thuốc thường dùng và tương đối an toàn hiện nay là Paracetamol như Acemol, Efferalgan, Panadol... Chuẩn bị sẵn các dạng thuốc thích hợp cho từng đối tượng, ví dụ gói bột hay viên hàm lượng thấp 80-150 mg cho trẻ nhỏ nặng 5-10 kg, viên 325 mg cho trẻ lớn khoảng 25-30 kg, viên 500 mg cho trẻ trên 30 kg và người lớn... Thuốc được dùng 4-6 lần mỗi ngày cách nhau ít nhất 4 giờ.
Ảnh minh họa.
Thuốc cần khi bị ngộ độc thức ăn
Nhóm thuốc không thể thiếu khác là thuốc dùng khi ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, thuốc trị tiêu chảy hay nôn ói. Berberin là loại thuốc tương đối an toàn ở cả nguời lớn và trẻ em. Chuẩn bị thêm một lọ than hoạt (Carbogastryl, Carbophos...) có tác dụng hút hơi, chống sình bụng, vài gói men vi sinh (L-Bio, Lacteolfort, Biofidine...). Các loại thuốc cầm tiêu chảy hay chống nôn ói không nên tự ý dùng, nhất là với trẻ em vì tuy làm giảm triệu chứng tiêu chảy nhanh nhưng phân cùng với các độc tố không thoát ra ngoài được, ứ đọng trong lòng ruột có thể gây nguy hiểm.
Thuốc chống dị ứng
Các món ăn lạ rất dễ gây dị ứng, mẩn đỏ, ngứa... Với trẻ em, chuẩn bị sẵn xi-rô Phenergan hoặc các loại kháng dị ứng thông thường như Polaramin, Chlopheniramin nhưng dễ gây buồn ngủ lừ đừ. Người lớn có thể dùng các dạng kháng dị ứng mới như Histalong, Cetirizine... Thường chỉ cần dùng 1 viên mỗi ngày và không gây buồn ngủ.
Thuốc phòng chống các bệnh về tiêu hóa
Trong ngày nghỉ, việc ăn uống thường bị đảo lộn, thậm chí ăn quá nhiều loại thức ăn có thể khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa. Do vậy, nên dự trữ một ít thuốc trị bệnh đường tiêu hóa.
Tiêu chảy: Dự phòng thuốc gói oresol để đề phòng trong nhà có nhiều người cùng bị tiêu chảy cần được bù lượng nước đã mất bằng oresol. Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, tránh tình trạng pha đặc hay loãng đều làm mất tác dụng của thuốc. Cần lưu ý đến hạn sử dụng trước khi dùng thuốc.
Táo bón: Dự trữ thuốc dạng bơm vào hậu môn hoặc thuốc chứa hợp chất cao phân tử macrogol, thuốc nhuận tràng… nên chú ý thuốc dùng cho người lớn và thuốc dùng cho trẻ em.
Khó tiêu đầy bụng: Có thể trữ thuốc kháng acid có chứa chất chống đầy hơi thuốc làm tăng nhu động dạ dày. Nên chú ý thuốc dùng cho người lớn và thuốc dùng cho trẻ em.
Thuốc cảm
Trong những ngày nghỉ, mọi người thường chủ quan đi chơi không đội mũ nón, che khẩu trang… nên rất dễ bị nhức đầu, hắt hơi sổ mũi… Khi bị nhức đầu, sổ mũi mà không có thuốc uống bạn sẽ rất khó chịu. Do đó, cần uống thuốc ngay khi mới có dấu hiệu cảm để bệnh không bị nặng hơn.
Thuốc ho
Bạn nên mua thuốc dạng siro chứa thuốc kháng sinh làm dịu ho (kể cả trị nôn ói) cho trẻ; nếu là thuốc trị ho loại viên có chứa codein thì chỉ dành cho người lớn.
Ngoài các loại thuốc thông thường, các gia đình có bệnh nhân đang phải dùng thuốc chữa bệnh (như bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh xương khớp...), nhất thiết mang đủ số lượng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, bạn cũng nên dự trữ một vài miếng urgo phòng khi chế biến thức ăn bị đứt tay; bông băng, dung dịch muối loãng, povidine (bôi ngoài da sát trùng), nước oxy giá, cồn 70 độ, bông băng, một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế), thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, trà gừng…
Lưu ý: Trước khi mua thuốc, có thể nhờ tư vấn của bác sỹ hoặc dược sỹ hướng dẫn mua và cách sử dụng. Nên để thuốc và bảng hướng dẫn sử dụng thuốc trong bao bì và có dán nhãn ngoài ghi rõ tên thuốc. Nên để riêng thuốc dành cho người lớn và thuốc dành cho trẻ em. Với những loại thuốc do bác sĩ kê đơn dành cho người trong gia đình đang sử dụng cũng nên để riêng một gói và dán nhãn bao bì. Bạn cần để ở trong tủ thuốc tránh xa tầm với trẻ em; để ở nơi thoáng mát, tránh nơi có nhiều ánh sáng, ẩm và nóng.
Thuốc chỉ phòng cho trường hợp vị bệnh nhẹ do rối loạn, nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài thì cần đi khám bác sỹ.
Ý kiến bạn đọc