(VnMedia) - Ngày 10/3, Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai vừa khai trương và đưa vào hoạt động Phòng C5 Tim mạch nhi, nhằm đáp ứng nhu cầu khám và điều trị tim mạch của rất nhiều trẻ em mắc bệnh tim tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Trương Thanh Hương, Trưởng phòng C5 Tim mạch nhi, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, phòng khám sẽ tập trung vào lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh, điều trị nội khoa các bệnh tim mạch khác như thấp tim và các bệnh van tim do thấp, tăng huyết áp, các bệnh lý mạch máu… Về lâu dài, phòng C5 sẽ hướng đến chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh từ giai đoạn bào thai, giai đoạn bú mẹ đến khi trưởng thành, tiến tới thành lập Trung tâm Tim mạch Nhi bao gồm cả Nội khoa, Tim mạch can thiệp, Ngoại Tim mạch Nhi.
Với tim bẩm sinh, có những bệnh có thể chữa khỏi được bằng can thiệp hoặc phẫu thuật như bệnh còn ống động mạch đơn thuần, thông liên thất, thông liên nhĩ…. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh chỉ có thể can thiệp, hoặc phẫu thuật sửa chữa tạm thời. Hoặc một vấn đề đang rất được quan tâm khác là bệnh lý tim mạch di truyền, ví dụ như bệnh cơ tim phì đại –nguyên nhân dẫn đến đột tử ở trước tuổi 35. Vì thế, công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe tim mạch một cách toàn diện và liên tục, thậm chí hướng nghiệp cho những bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh, mắc bệnh lý tim mạch di truyền là vấn đề hết sức cần thiết.
Những trẻ sinh non, nhẹ cân có nguy cơ bị các dị tật tim bẩm sinh cao hơn trẻ bình thường. Việc phát hiện và điều trị sớm trẻ mắc bệnh tim có ý nghĩa vô cùng quan trọng. PGS.TS Hương khuyến cáo, cha mẹ có thể dựa vào một vài triệu chứng ban đầu để phát hiện sớm bệnh lý tim mạch ở trẻ như khi trẻ bú hoặc khóc mà có biểu hiện khó thở, hoặc chỉ bú mẹ được chốc lát là rời vú mẹ (bé vẫn chưa no nhưng không thể bú tiếp được vì khó thở); bé thở nhanh hổn hển, cánh mũi phập phồng nhanh mạnh, hay cằn nhằn, cáu gắt. Hoặc bé có biểu hiện tím môi khi em bé bú hoặc khi em bé khóc. Dấu hiệu muộn hơn là trẻ hay bị viêm phổi hoặc trẻ chậm lớn …Nếu trẻ có các dấu hiệu này thì bà mẹ nên đưa bé đi khám tim mạch. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm tra bằng nghe tim, phát hiện tiếng thổi ở tim và phát hiện các dấu hiệu bất thường khác.
* Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ bị bệnh lý tim bẩm sinh chiếm khoảng 0,7-0,8% tổng số trẻ sơ sinh lúc chào đời. Ở Việt Nam chưa có số liệu chính xác về tần suất tim bẩm sinh trong cộng đồng nhưng ước tính mỗi năm Việt Nam có 16.000-20.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh ra đời.
Ý kiến bạn đọc