Không phát hiện ổ dịch lớn tại Hà Nội

14:36, 12/03/2014
|

(VnMedia) Ngày 11/3, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tình hình dịch bệnh ở người hiện nay trên địa bàn Hà Nội đang được kiểm soát, nhất là bệnh sởi xuất hiện trở lại song tản phát, không có ổ dịch lớn.

 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Cụ thể, về bệnh sởi từ đầu năm đến ngày 10/3, số bệnh nhân tăng vọt với tổng số 880 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 347 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Số mắc chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, chiếm 64,7%, tập trung nhiều nhất là trẻ em dưới 2 tuổi, đều là những trường hợp chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, trường hợp mắc sởi nhỏ nhất là 1,5 tháng tuổi và lớn tuổi nhất là 57 tuổi.

 

Đối với các bệnh như sốt xuất huyết chỉ còn 26 ca, giảm 10,3% so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng có 11 ca, giảm 86,7%; bệnh viêm màng não do não mô cầu chỉ có 1 trường hợp ở huyện Phú Xuyên; 1 trường hợp bị bệnh liên cầu lợn ở quận Đống Đa; riêng bệnh thủy đậu có 188 trường hợp mắc, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và có khả năng xuất hiện dịch cúm A/H7N9, A/H10N8 xâm nhập vào Hà Nội, không loại trừ khả năng vi rút biến chủng lây từ người sang người và bùng phát thành dịch.

 

Theo ông Hạnh, mặc dù bệnh sởi xuất hiện trở lại nhưng các ca mắc có tính chất tản phát, không có ổ dịch lớn. Hà Nội là địa phương có tỷ lệ trẻ được tiêm đủ mũi vắc xin sởi cao (đạt trên 95%), do đó, nếu thực hiện tốt kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và tiêm vét vắc xin sởi thì số mắc mới sẽ giảm nhanh và có thể khống chế dịch sởi trong tháng 4/2014.

 

Để khống chế dịch bệnh, ngành Y tế triển khai đồng thời hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thực hiện giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh/ổ dịch, không để bùng phát thành dịch lớn; chủ động giám sát, xử lý véc tơ, vệ sinh môi trường, tiêm chủng mở rộng…Thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, nhất là hành khách đến từ vùng có dịch, tại sân bay bố trí 2 máy đo thân nhiệt và 2 phòng cách ly.

 

Bên cạnh đó, các đơn vị điều trị thực hiện khám, cách ly, điều trị kịp thời hạn chế tử vong do các bệnh truyền nhiễm và tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, tiêm vét vắc xin sởi; phối hợp với ngành liên quan trong phòng chống dịch tại trường học, phòng chống dịch lây từ bệnh sang người; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cho cộng đồng, chú trọng truyền thông nguy cơ nhất là nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm gia cầm; đảm bảo cung cấp đủ kinh phí, máy móc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch; triển khai xây dựng các hoạt động của đề án nâng cao năng lực hệ thống giám sát cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Hội đến năm 2020.

Việt Nam: Tính đến hết ngày 10/3, cả nước còn 39 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Gia Lai, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên. Toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu hủy. Tổng số gia cầm mắc bệnh là 90.068 con, tiêu hủy 102.421 con

 

Trung Quốc: Tính đến nay, đã có 338 ca nhiễm virus H7N9 và 121 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch H7N9 đang có xu hướng giảm; trong những ngày đầu tháng 3 mỗi ngày chỉ ghi nhận 1 ca mắc bệnh giảm so với trong tháng 2/2014 với tỷ lệ 5-6 ca/ngày.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc