(VnMedia) - Ngày 9/1, Bộ Y tế phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hội thảo "Tăng cường chất lượng công tác quản lý và nâng cao chất lượng xét nghiệm y khoa" với sự tham gia của mộ số nhà quản lý, trưởng phòng y tế, phụ trách phòng xét nghiệm y khoa của các bệnh viện trung ương, quân đội và bệnh viện ngành.
Ảnh minh họa. |
Hiện cả nước hiện có 38 bệnh viện tuyến trung ương (trung bình có 3 khoa xét nghiệm/bệnh viện); 409 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa (trung bình có 3 khoa xét nghiệm/bệnh viện); 645 bệnh viện tuyến huyện (trung bình có 1 khoa xét nghiệm/bệnh viện) và trên 150 bệnh viện tư (mỗi bệnh viện có ít nhất 1 khoa xét nghiệm). Ngoài ra, cả nước hiện có 3 Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm (hai trung tâm thuộc hai trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh; 1 trung tâm thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) phụ trách 3 khu vực bao gồm các tỉnh, thành phố tạo thành mạng lưới kiểm chuẩn xét nghiệm troàn quốc...
Tại các bệnh viện trung ương và đa số bệnh viện tỉnh, thành phố đều có 4 khoa xét nghiệm (gồm: Hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh và ký sinh vật, giải phẫu bệnh lý); một số bệnh viện tuyến tỉnh, hầu hết bệnh viện huyện và tất cả các bệnh viện ngoài công lập đều có 1 khoa xét nghiệm y học hoặc khoa hóa nghiệm. Các khoa xét nghiệm thường do các bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa phụ trách.
Tuy nhiên, hệ thống xét nghiệm y học lâm sàng hiện còn nhiều bất cập, như người phụ trách phòng xét nghiệm y học chung ở tuyến tỉnh, huyện và các cơ sở tư nhân còn yếu về năng lực và trình độ; nhiều người chưa có chứng chỉ; qui trình kiểm tra phòng xét nghiệm còn nặng về hành chính, thủ tục, nhẹ về kỹ thuật và chưa thường xuyên... Đặc biệt trong công tác phục vụ bệnh nhân, hoạt động này còn tốn nhiều thời gian, nhiều bất tiện khi làm xét nghiệm; bệnh nhân chưa được giải thích đầy đủ về lý do làm xét nghiệm; xét nghiệm nơi này không được nơi khác chấp nhận; lạm dụng xét nghiệm; chất lượng xét nghiệm của một số phòng xét nghiệm, nhất là ở tuyến tỉnh, huyện chưa được tin tưởng...
Do đó, trong thời gian tới ngành y tế cần thực hiện "xét nghiệm một cửa"; tổ chức đào tạo bác sỹ xét nghiệm để quản lý các phòng xét nghiệm y học song song với việc đào tạo bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh, tế bào học; không sử dụng kỹ thuật viên không có bằng cấp. Đồng thời, đưa ra lộ trình tiến tới bắt buộc tất cả các phòng xét nghiệm y học phải thực hiện bảo đảm chất lượng và kiểm tra chất lượng, nội kiểm và ngoại kiểm; có lộ trình tiến tới công nhận kết quả của "phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn".
Ý kiến bạn đọc