(VnMedia) - Chủ trương xã hội hóa là đúng, nhờ đó các bệnh viện có được nhiều trang thiết bị hiện đại, phát triển kỹ thuật mới, cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn…đặc biệt là người bệnh được lợi.
Đây là quan điểm của các của các chuyên gia tại buổi tọa đàm về “Xã hội hóa y tế” trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 16/12.
Mục đích của xã hội hóa y nhằm nhằm huy động nguồn lực tiềm tàng trong xã hội, tham gia tích cực vào công tác khám chữa bệnh. Nhưng nếu chỉ dựa vào thực lực của hệ thống y tế công thì không thể nào đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của xã hội.
Trong khi đó, dư luận lên án việc xã hội hóa tại nhiều bệnh viện, nhưng nếu không có hình thức này sẽ thiếu nguồn vốn để phát triển các kỹ thuật cao phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, trong y tế có nhiều bất cập mà yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế cần phải có biện pháp giải quyết kịp thời.
Thế nào là xã hóa hóa trong y tế
Ông Phạm Lê Tuấn, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, quan niệm xã hội hóa y tế là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước và giảm bớt phần Ngân sách Nhà nước chi cho các hoạt động y tế quan điểm chưa chính xác bởi vì xã hội hóa là một chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ và đây là chủ trương này hoàn toàn chính xác. Trong điều kiện nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, Đảng, Quốc hội và Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực của xã hội, không những của Nhà nước mà còn của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như các ban ngành đoàn thể và các tổ chức xã hội phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe.
Nội dung chính là xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe, không phải là giảm đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước mà huy động các nguồn trên. Thứ hai là bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân, cộng động cũng như các cơ quan liên quan. Thứ 3, xã hội hóa chăm sóc sức khỏe là gắn với việc tăng cường đầu tư từ Ngân sách và thực hiện tốt việc trợ giúp cho các đối tượng chính sách, người nghèo và việc này trong thời gian vừa qua Việt Nam là một trong những nước được Tổ chức Thế giới đánh giá rất cao về chính sách an sinh xã hội. Việt Nam hỗ trợ cho người nghèo 100% BHYT và Chính phủ đã quyết định hỗ trợ đến 70% mệnh giá cho đối tượng cận nghèo. Như vậy, tham gia BHYT thì người dân chỉ phải đóng góp một chút và thẻ BHYT sẽ đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo không may mắc bệnh.
Đồng thời, các đối tượng chính sách, người có công…học sinh, sinh viên cũng đều được hỗ trợ từ Chính phủ. Đây là đầu tư của Nhà nước cho việc chăm sóc sức khỏe và đẩy mạnh BHYT toàn dân, đây là một cơ chế tài chính đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội cho biết, xã hội hóa y tế là một vấn đề mà xã hội cũng như các đại biểu Quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, khi nói đến xã hội hóa y tế cũng có nhiều ý kiến khác nhau và đó chính là những thách thức. Thứ nhất, đó là nhiều người hiểu rằng, xã hội hóa y tế là Nhà nước đẩy hết trách nhiệm của mình cho người dân đóng góp. Điều này không đúng. Xã hội hóa là chúng ta phải tăng vai trò của Nhà nước, vai trò của người d và vai trò của cộng đồng. Thứ hai, xã hội hóa là chúng ta phải huy động vai trò của người dân, bản thân mỗi người dân phải tự giữ sức khỏe, tự biết mình. Ví dụ như rượu, thuốc lá và cách ăn uống không có lợi cho sức khỏe, nhưng nhiều người dân vẫn uống rượu, bia tràn lan, hút thuốc là vô tư. Thứ ba, người dân có thể chi vài triệu đồng cho bữa nhậu nhưng 500 nghìn cho một thẻ BHYT thì lại không muốn mua. Thậm chí cha mẹ, ông bà không có BHYT nhưng con sống rất hoang phí. Đây là những thách thức cần tuyên truyền cho người dân hiểu. Thách thức của xã hội hóa là quản lý của Nhà nước, làm thế nào để có hiệu quả.
|
Xã hội hóa, người bệnh sẽ được hưởng lợi
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội cho biết, qua khảo sát 18 bệnh viện công, qua quá trình theo dõi cho thấy, chủ trương về xã hội hóa hoàn toàn đúng đắn. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Hiện nay Ngân sách còn hạn hẹp, nếu không có xã hội hóa thì các bệnh viện sẽ không được trang bị máy móc hiện đại. Các bệnh viện lớn đã huy động được sự đóng góp của các tổ chức khác nhau cùng với bệnh viện để đưa ra sự phát triển kỹ thuật. Trên cơ sở đó, các cán bộ của bệnh viện cũng được nâng cao trình độ chuyên môn. Và ở đây hưởng lợi chính là người bệnh bởi vì với kỹ thuật hiện đại, khả năng chẩn đoán, phát hiện bệnh được sớm hơn. Do đó, việc xử lý điều trị cũng sớm hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiên cũng thừa nhận vẫn còn một số tồn tại kể cả sự việc đáng tiếc. Có trường hợp cả lãnh đạo đơn vị bị xử lý kỷ luật, cách chức, thậm chí vào vòng lao lý. Theo ông, đơn vị nào tuân thủ đầy đủ theo quy định, tài chính thu chi công khai minh bạch, tự giám sát... thì hạn chế được sai sót. Do vậy, Bộ Y tế cần phải tăng cường giám sát, tự kiểm tra và huy động tốt hoạt động về chuyên môn.
Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, vấn đề là làm thế nào thực hiện chính sách cho đúng, kiểm tra ngặt nghèo, loại đi những phần tiêu cực. Có nơi lạm dụng, có nơi có lợi ích riêng nhưng nếu nơi đó người đứng đầu quản lý, giám sát chặt thì khó có chuyện này, chuyện kia.
Ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, muốn đánh giá việc lạm dụng các máy xã hội hóa thì phải dựa trên bằng chứng. Dư luận xã hội nói mạnh việc lạm dụng xã hội hóa, một số cơ sở y tế chùn lại không làm thì bệnh nhân lại là người chịu thiệt. Vấn đề là chỉ định làm xét nghiệm như thế nào là phù hợp, đúng quy chuẩn. Vì thế, ông đề nghị Bộ Y tế cần ban hành quy chuẩn xét nghiệm tránh trùng lặp, cấp bệnh viện nào thì được sử dụng loại trang thiết bị y tế nào, hạn chế lạm dụng. Bên cạnh đó, các bệnh viện có thể học cách quản lý quỹ của một số trường đại học có hội đồng quản lý gồm nhiều bên, mọi thứ đều phải minh bạch.
Lý giải việc vì sao có tình trạng máy nhà nước đầu tư thì hỏng đắp chiếu, máy xã hội hóa hoạt động hết công suất; các chuyên gia đồng tình cho rằng vì thời gian xin cấp kinh phí tu sửa lâu. Chẳng hạn, máy chụp cộng hưởng từ, CT bị cháy đèn thì thủ tục trình các nơi xin ngân sách có khi mất thàng tháng, thậm chí hàng năm nếu bệnh viện không dự trù ngân sách tốt.
"Vấn đề xã hội hóa cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, cần nhìn một cách toàn diện. Nền kỹ thuật nước ta tiến rất nhanh, cái gì cũng vậy, chạy nhanh thì hàng ngũ xộc xệch. Điều quan trọng là nhìn lại để chấn chỉnh", ông Tiên nhận định.
Ý kiến bạn đọc