Những “sự cố" y tế đáng buồn năm 2013

12:15, 31/12/2013
|

(VnMedia) -  Năm 2013, ngành y liên tục xảy ra những sự cố chết người đau lòng khiến người dân hoang mang đó là bác sĩ thẩm mỹ gây chết người rồi vứt xác nạn nhân, hàng loạt trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức, tráo đổi thủy tin thể tại Bệnh viện Mắt Hà Nội…

Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ làm chết người, vứt xác

 Ảnh minh họa


Theo lời khai của "bác sĩ tử thần" Nguyễn Mạnh Tường, ngày 19/10, sau ca phẫu thuật hút mỡ nâng ngực khoảng 4 tiếng, chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ở 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thấy chóng mặt, người tím tái, sùi bọt mép và tử vong. Bác sĩ Tường cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh, 17 tuổi, bê nạn nhân ra ôtô chở đến cầu Thanh Trì vứt phi tang.

Sự việc làm rúng động ngành y tế và cả dư luận trong suốt thời gian qua mà hậu quả vẫn còn dai dẳng. Nỗi mất mát, đau khổ của người nhà nạn nhân vẫn còn hiển hiện, và sau hơn hai tháng dốc sức tìm kiếm vẫn chưa thấy thi thể chị Huyền.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã phải thốt lên rằng "Sốc và đau xót". Trong văn bản gửi báo chí, Bộ trưởng đã bày tỏ các cung bậc cảm xúc của mình. Bà nói "Không riêng bản thân tôi, mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành Y tế đều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc, đến phẫn nộ, đau xót và buồn.

Nhiều trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem

Theo thống kê, tính từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2013 đã có 15 trẻ tử vong sau tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như chương trình tiêm chủng mở rộng đều cho rằng nguyên nhân do vắc-xin bị loại trừ.

Trước những dấu hiệu bất thường (số trẻ tử vong sau tiêm tăng cao), vào đầu tháng 5/2013, vắc-xin này đã bị tạm ngừng sử dụng để tái kiểm định chất lượng. Kết quả tái kiểm định cho thấy vắc-xin “đảm bảo an toàn” nên đã được lưu hành trở lại vào tháng 10/2013.

Sau khi tiêm trở lại, có nhiều trẻ gặp phản ứng, trong đó có trẻ tử vong song Bộ Y tế cho biết nguyên nhân là do trẻ bị suy hô hấp. Cũng trong năm 2013, câu chuyện vắc-xin gây khá nhiều tranh cãi giữa một bên là nên thay thế - một bên là an toàn không cần thay thế. Không chỉ có câu chuyện vắc-xin mới - cũ an toàn như thế nào, trong năm qua dịch vụ tiêm chủng ngoài chương trình cũng chào đón đông khách hàng đến. Từ đó lại xảy ra “scandal” ăn bớt vacxin ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội vào tháng 5/2013.

Cán bộ thực hiện tiêm đã không dùng đủ liều vắc-xin cho trẻ khiến gia đình bức xúc. Trước áp lực dư luận, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã cho cán bộ tiêm chủng này thôi việc. Tuy nhiên ám ảnh về vắc-xin vẫn khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Cũng liên quan đến vấn đề vắc-xin vẫn, năm 2013 ghi nhận sự kiện “chưa từng có” trong lịch sử tiêm chủng, đó là sự kiện 3 trẻ sơ sinh cùng tử vong sau khi tiêm vắc-xin vẫn viêm gan B ở bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào ngày 20/7.

“Nhân bản” kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân

 Ảnh minh họa

 
Đầu tháng 8, Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) bị phát hiện “nhân bản” hơn 1.000 xét nghiệm cho bệnh nhân. Bệnh viện Hoài Đức đã dùng một phiếu xét nghiệm huyết học để sao chép trả cho 2-5 bệnh nhân. Thậm chí nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, về lứa tuổi cũng được dùng chung một kết quả xét nghiệm.

Sai phạm “nhân bản” kết quả xét nghiệm đã được Công an TP.Hà Nội vào cuộc điều tra. Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng thu thập tài liệu có các bằng chứng cho thấy một số y, bác sĩ Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Hoài Đức đã cố ý làm trái các quy định của ngành, sử dụng hàng nghìn kết quả xét nghiệm huyết học tại bệnh viện cho hơn 2.000 bệnh nhân có chung các chỉ số sinh hóa, ngày giờ xét nghiệm, ngày giờ in phiếu kết quả xét nghiệm.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 10 y bác sĩ của Bệnh viện Hoài Đức. UBND TP.Hà Nội cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Giám đóc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm.

Bác sĩ “ăn” phim chụp x-quang

 Ảnh minh họa


Vào đầu tháng 10, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã công bố kết quả thanh tra cho thấy có đến 70% tổng số ca phẫu thuật tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là mổ dịch vụ.

Điều gây bức xúc là các trường hợp phẫu thuật dịch vụ này được thực hiện vào những ngày làm việc trong tuần, nhiều bác sĩ ở các khoa mổ dịch vụ trong khi họ đang có lịch trực theo phân công của bệnh viện, được chấm công trực. Trong khi đó, những bệnh nhân cần mổ, không đăng ký mổ dịch vụ thì phải “dài cổ” chờ lịch mổ.

Chưa kể, một số bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện còn gian lận, “ăn” phim chụp x-quang của bệnh nhân. Đó là thu tiền phim lớn (đắt tiền), nhưng chụp phim nhỏ rẻ tiền hơn; thu tiền hai phim chụp, nhưng chụp ghép nhiều hình trên một phim.

Tráo thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Hà Nội

Sau khi nhận được đơn tố cáo của một bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện hơn 700 bệnh nhân mổ mắt thủy tinh thể tại bệnh viện này đã bị tráo thủy tinh thể và dịch nhầy từ loại đắt tiền sang loại rẻ tiền.

Cụ thể, bệnh viện đã dùng thủy tinh thể của Trung Quốc, Hàn Quốc trong phẫu thuật cho bệnh nhân trong khi đó phiếu thu tiền lại thể hiện là sử dụng thủy tinh thể của Mỹ. Chênh lệch tiền giữa hai loại thủy tinh thể này khoảng từ 20.000 - 30.000 đ/thủy tinh thể.

Theo thanh tra Sở Y tế Hà Nội kết luận sự việc do sai sót về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, công tác tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, người đã tố cáo về các vi phạm tại bệnh viện, không đồng tình với kết luận trên.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc