(VnMedia) - Theo thống kê, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam trung bình là 7,7%. Đáng lưu ý, tỷ lệ vô sinh thứ phát (sau khi từng có con) tăng cao.
Đó là thông tin được PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Hội thảo quốc tế "Cập nhật về hỗ trợ sinh sản” vừa diễn ra tại Hà Nội chiều 6/11.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, để điều trị hiếm muộn các cặp vợ chồng nên được tư vấn tiền hôn nhân để phát hiện và điều trị sớm một số bệnh ảnh hưởng đến khả năng mang thai, đồng thời tránh một số bệnh liên quan đến di truyền.
Theo Bộ Y tế, vô sinh và hiếm muộn đang là thách thức không nhỏ đối với ngành sản khoa. Hiện nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, với tỷ lệ thành công từ 30 đến 40%.
Hội thảo quốc tế "Cập nhật về hỗ trợ sinh sản” là dịp trao đổi chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về sinh sản, vô sinh, hiếm muộn… của các bác sĩ sản khoa đến từ nhiều nước trên thế giới. Theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào sản khoa, tuy nhiên kết quả có thai ở phụ nữ không tăng lên trong vòng 30 năm nay.
Tỷ lệ vô sinh thứ phát của người Việt tăng cao. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát
Ngoài các nguyên nhân như bất đồng nhóm máu, hở eo cổ tử cung, u xơ tử cung, đại đa số ca bệnh bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục, sau khi nạo hút thai hoặc vệ sinh không đúng cách…
Việc viêm nhiễm đường sinh dục có thể gây tắc hai ống dẫn trứng, viêm dính buồng tử cung, viêm dính ống cổ tử cung… làm mất khả năng gặp nhau của noãn và tinh trùng; hoặc những trường hợp gặp được cũng không tạo điều kiện thuận lợi cho phôi (noãn đã thụ tinh với tinh trùng) về làm tổ trong buồng tử cung, gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung rất nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ sản khoa, để tránh tình trạng vô sinh thứ phát, ngoài việc cân nhắc về tuổi tác của mẹ, kinh tế gia đình, các cặp vợ chồng không nên kéo dài khoảng cách giữa 2 lần sinh con. Thời gian lý tưởng nhất là từ 3 đến 5 năm.
Đặc biệt, chị em cần chú trọng việc vệ sinh đúng cách, tránh viêm nhiễm đường sinh dục dưới. Cần đến cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn dùng thuốc điều trị thích hợp khi thấy biểu hiện của viêm nhiễm phụ khoa.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cho hay, biến chứng của phá thai sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề. Những hậu quả đó có thể biểu hiện ngay sau nạo hút hoặc sau này, các biểu hiện có thể là rách, thủng cổ tử cung, băng huyết, sót rau, nhiễm khuẩn, dính buồng tử cung, chửa ngoài dạ con thậm chí vô sinh.
Hiện nay, theo phân tích nguyên nhân dẫn tới vô sinh của nhiều cặp vợ chồng chủ yếu là tắc vòi tử cung (chiếm tới 75%), rối loạn phóng noãn (khoảng 20%). Hiện nay, nguyên nhân vô sinh ở phụ nữ chủ yếu do viêm nhiễm đường sinh dục gây tắc vòi tử cung.
Viêm nhiễm làm tắc vòi tử cung là do hiện nay có rất nhiều phụ nữ trẻ nạo phá thai không an toàn, tình dục không an toàn gây ra viêm nhiễm đường sinh dục. Đây là đặc thù đang nổi lên ở Việt Nam - khác xa nhiều với nhiều nước. Bởi nhiều nước khác trên thế giới, các trường hợp vô sinh của họ chủ yếu do béo phì, buồng trứng… lớn tuổi.
Vô sinh là một gánh nặng của ngành y tế Việt Nam hiện nay. Ông Hùng phân tích: “Hiện nay, công tác điều trị vô sinh mất rất nhiều thời gian. Có những trường hợp nhẹ thì điều trị mất khoảng 1-2 tháng, tuy nhiên có không ít trường hợp nặng mất từ 5-7 năm và còn có nhiều phụ nữ rơi vào tình cảnh xót xa, mãi mãi không bao giờ được thực hiện thiên chức làm mẹ.”
Việt Nam trong 50 năm qua đã đạt được thành tựu đáng khích lệ trong việc giảm mức sinh từ 5-6 con/1 phụ nữ xuống còn 2 con (2012).
Tuy nhiên, chính vì sự giảm sinh và sự du nhập lối sống “phóng thoáng” của khá nhiều bạn trẻ hiện nay trong cuộc sống hiện đại khiến cho vấn đề phá thai và vô sinh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Trong thời gian tới, ngành dân số cần thay thế chỉ tiêu giảm sinh trong các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm bằng các chỉ tiêu khác phản ánh chất lượng dân số, nhằm tránh tình trạng sức khỏe sinh sản bị tổn thương và đang đứng trước những thách thức mới gay gắt như hiện nay.
Ý kiến bạn đọc