Một tiền lệ buồn của giới y khoa Việt Nam

19:44, 25/10/2013
|

(VnMedia) - Với hành động phi tang xác nạn nhân, bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường không chỉ tự mình phản lại lời thề y đức, mà còn để lại một tiếng thở dài xót xa cho ngành Y khoa Việt Nam.

 

Có mặt tại chân cầu Thanh Trì trong buổi sáng ngày 25/10 để tiếp tục tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền - bệnh nhân bị ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường ném xuống sông, một cán bộ của bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông Tường được đánh giá là một bác sĩ có tay nghề tốt. Nhưng hành động gây tử vong cho bệnh nhân rồi vứt xác phi tang của ông Tường là hành động gây chấn động xã hội. Đây là tiền lệ chưa từng có trong lịch sử y khoa Việt Nam. Chính hành động này của ông Tường đã gây tổn thương đến giới giới bác sĩ, phá vỡ những nỗ lực nâng cao y đức trong khám chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai.

 

Theo đánh giá của nhiều bác sỹ, sai lầm lớn nhất của bác sĩ Tường nằm ở việc xử lý sau khi có tai biến xảy ra với bệnh nhân. Việc phẫu thuật xảy ra tai biến là bất khả kháng và trong quá trình làm việc, người bác sĩ phải chuẩn bị những điều kiện để khi xảy ra tai biến thì có thể xử lý được. Một điều đơn giản nhất mà các bác sỹ làm việc ở phòng khám tư nhân đều biết, nếu thấy bệnh nhân có biểu hiện bị sốc phản vệ hoặc tai biến, nguy cơ tử vong cao thì họ đều đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại các bệnh viện lớn.

 

Trong cuộc họp sau khi vụ việc xảy ra, PGS Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) nói: “Tai biến trong ngành y không chỉ xảy ra ở các cơ sở khám tư nhân mà còn xảy ra ở các bệnh viện lớn. Đáng lẽ cậu ấy (ông Tường) phải đưa ngay người bệnh đến bệnh viện này. Cậu ấy còn có đồng nghiệp là chúng tôi hết lòng giúp đỡ."

 

Thông tin vụ việc được công bố đã khiến tập thể bác sỹ bệnh viện Bạch Mai “sốc” bởi hành vi phi tang xác bệnh nhân sau khi tử vong. Đó là việc quá tàn bạo và vi phạm pháp luật. Đây chính là vấn đề đáng nói nhất trong sự việc này bởi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã được học rằng khi tai biến xảy ra thì phải coi tính mạng nạn nhân là cao nhất, chứ không phải là che giấu để giữ uy tín nghề nghiệp hoặc để giấu lỗi lầm của mình.

 

Sau nhiều ngày tìm kiếm thi thể chị Huyền, cho đến ngày hôm nay, gia đình chị đã hoàn toàn vô vọng. Để chia sẻ nỗi đau với gia đình chị Huyền, cán bộ bệnh viện Bạch Mai đã luôn túc trực và giúp đỡ tận tình trong việc tìm kiếm thi thể nạn nhân. Ngày hôm qua (24/10), bệnh viện Bạch Mai cũng đã đến nhà chị Huyền thăm hỏi và động viên gia đình chị Huyền.

 

Việc làm của ông Tường bị dư luận xã hội đánh giá là trái với đạo đức của một con người chứ chưa nói đến đạo đức của một bác sỹ có tay nghề tốt và chuyên môn cao. Bởi làm việc tại một bệnh viện lớn như bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ đều được quan tâm giáo dục y đức ngay từ trong công việc hàng ngày đến các khóa học về kĩ năng giao tiếp, cách tiếp cận với người bệnh, quy trình khám chữa bệnh, kể cả sinh hoạt về văn nghệ để nhân viên có cách làm việc tốt hơn.


 Ảnh minh họa

Là bác sỹ và cũng là người thầy của nhiều thế hệ bác sỹ, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội không khỏi bàng hoàng khi biết tin người đồng nghiệp lại có hành động như vậy. “Tôi không nghĩ người có kinh nghiệm như anh Tường lại hành động thiếu suy nghĩ như vậy”, ông Hinh xót xa.

 

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cho biết, ngay từ khi nhập trường, sinh viên đã được học lời thề Hippocrates, học tấm gương Hải Thượng Lãn Ông, 12 điều Y đức Việt Nam… Tiếp đến sinh viên năm thứ hai và năm thứ 4 sẽ được học chương trình 45 tiết kiến thức căn bản về y đức, pháp luật, ứng xử, giao tiếp với người bệnh…

 

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, trước đây đạo đức y tế được dạy lồng ghép trong các môn học như tổ chức y tế, đạo đức y học nhưng từ năm 2010 bộ môn này được ngành chú trọng, tách ra thành môn độc lập với tên gọi Y xã hội học và Y đức.

 

Y đức là gốc rễ của mỗi cán bộ y tế và với mỗi sinh viên trước khi tốt nghiệp trường ĐH Y để khoác lên mình màu áo trắng, họ phải thuộc nằm lòng 5 lời thề nghề nghiệp, trong đó điều đầu tiên là mỗi bác sỹ phải: Đặt lợi ích sức khỏe của người dân trên lợi ích của riêng mình; không phân biệt giàu nghèo, địa vị, dân tộc, tôn giáo… Tuy nhiên, với hành động của mình, ông Tường không chỉ tự mình phản lại lời thề y đức mà còn để lại một tiếng thở dài xót xa cho ngành y khoa Việt Nam .


Anh Thi

Ý kiến bạn đọc