(VnMedia) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để phòng tránh bệnh tay chân miệng, hiện nay chưa có vắc xin nên chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân cho trẻ và cả người lớn.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng gồm: sốt, đau họng và nổi ban có bóng nước, biếng ăn, mệt mỏi… Khám họng trẻ phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bóng nước và tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ban trên da với các tổn thương phẳng hoặc có thể gồ lên mặt da, một số hình thành bóng nước, thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mụn nước có thể xuất hiện ở vùng mông, vùng khớp gối.
Ảnh minh họa |
Biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng bao gồm viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Biến chứng đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân, thường tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.
Khoảng 90 - 95% trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi. Vì thế với trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ, cha mẹ nên chăm sóc tại nhà. Khi bé có biểu hiện sốt cao từ 39 đến 40 độ, nôn, tiêu chảy, ăn ngủ kém, ngủ hay giật mình thì nên đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng...
Các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng mà trẻ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Cần sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Các trường mẫu giáo, nhà trẻ, hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Ý kiến bạn đọc