Cách để không bị lây chéo bệnh tại cơ sở y tế

08:56, 29/04/2014
|

(VnMedia) - Dịch sởi diễn biến phức tạp, không kể những bệnh nhi bị trả về vì không còn hy vọng cứu chữa, trong số hơn 100 trẻ đã tử vong ở bệnh viện, nhiều bé mắc sởi “chết oan” vì bị lây nhiễm chéo trong quá trình khám, chữa bệnh khác.

Thậm chí, có bé vào viện điều trị bệnh hiểm nghèo và đã vượt qua, song lại tử vong do lây nhiễm bệnh sởi.

Vậy tại sao nguy cơ lây chéo bệnh sởi lại cao như vậy? Tại sao nhiều trẻ bị nhẹ, khi tới bệnh viện lại bị nặng thêm?

PGS. TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong các bệnh truyền nhiễm có nhiều bệnh lây theo đường hô hấp (sởi, cúm, ...), có nhiều bệnh lây theo đường tiêu hóa (tả, lỵ, ....) hoặc có những bệnh lây theo đường niêm mạc (viêm não Nhật Bản, bệnh dại, ...).

Theo ông Huy, trong các đường lây nhiễm trên, đường hô hấp là đường có khả năng lây truyền mạnh và cao nhất. Điều này đã được nền y học thế giới ghi nhận, đặc biệt là trong các vụ dịch cúm, sởi... Bạn nên hiểu rằng, lây theo đường hô hấp xảy ra ngay cả khi chúng ta cười, nói chuyện, các mầm bệnh sẽ bắn ra môi trường qua nước bọt, sẽ lan ra môi trường xung quanh.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã từng khuyến cáo, khi có dịch lây qua đường hô hấp cần hạn chế hội họp, tiếp xúc đông người. Các bậc phụ huynh khi đưa con đi khám bệnh, mọi người cần đeo khẩu trang để hạn chế các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Để giảm nguy cơ lây chéo, bạn nên thường xuyên nghe các thông tin phổ biến kiến thức và cố gắng áp dụng đầy đủ cho người thân và gia đình.

Ảnh minh họa

Lây chéo trong bệnh viện có nguy cơ cao. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, tại cơ sở y tế cần sử dụng cả 3 biện pháp: Kiểm soát hành chính, kiểm soát môi trường và sử dụng dụng cụ phòng hộ cá nhân. Trong đó, biện pháp hành chính là quan trọng nhất.

Tại khu vực phòng khám

- Nhận dạng bệnh nhân nguy cơ bị nhiễm sởi: Triệu chứng lâm sàng phù hợp với bệnh sởi, có tiếp xúc với bệnh nhân sởi.
- Đánh giá phân loại, cách ly bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã chẩn đoán nhiễm Sởi  và sử dụng khẩu trang hô hấp ngay tại khu vực khám.
- Sắp xếp bệnh nhân sởi được “khám ưu tiên” để giảm thời gian lưu ở khu khám bệnh.
- Hướng dẫn cụ thể các trường hợp bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú/chuyển bệnh viện vệ tinh (tuyến y tế cơ sở).
- Phân luồng hướng chuyển bệnh nhân vào bệnh phòng (có nhân viên y tế hướng dẫn/bảng chỉ dẫn)

Khu vực điều trị

- Có phòng cách ly bệnh nhân sởi và có biển báo khu vực cách ly. Xếp phòng riêng cho các bệnh nhân mắc sởi  và càng xa khu vực bệnh nhân không phải sởi càng tốt. Khu vực dành cho bệnh nhân sởi nên ở cuối chiều gió.
- Buồng bệnh có thông khí tự nhiên với không khí lưu thông qua cửa sổ mở để bệnh phòng luôn thông thoáng.
- Tránh thực hiện các thủ thuật… cho bệnh nhân sởi cùng với các bệnh nhân có bệnh lý khác.
- Thực hiện tuân thủ các biện pháp vệ sinh, phòng hộ cá nhân (khẩu trang hô hấp, rửa tay…). Người nhà chăm sóc bệnh nhân phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch vệ sinh tay/xà phòng trước và sau chăm sóc bệnh nhân.
- Hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân. Người vào thăm phải đeo khẩu trang.
-  Tại cửa ra vào buồng bệnh phải có bình sát khuẩn tay nhanh. Mọi người trước khi ra vào buồng bệnh phải rửa tay với chất sát khuẩn.

Kiểm soát môi trường

-  Đảm bảo lưu thông không khí qua cửa sổ mở; Thông khí cơ học bằng hệ thống quạt hút khí ra ngoài;
- Khử khuẩn không khí bằng máy Ozon trong buồng bệnh
- Khử khuẩn bề mặt tại khu vực cách ly và khoa/phòng, buồng bệnh bằng Cloramine B;
- Rác thải tại khu vực cách ly phải được bỏ vào thùng/túi rác màu vàng.

Truyền thông phòng chống bệnh dịch sởi.

- Truyền thông giáo dục cho người bệnh và người hỗ trợ tham gia chăm sóc bệnh nhân… cách phòng chống và hạn chế lây lan bệnh dịch sởi như: Hướng dẫn đeo khẩu trang, vệ sinh tay cá nhân đúng cách, hạn chế đi lại trong các khu vực khoa/phòng Bệnh viện.

- Truyền thông phòng bệnh bằng cách cho trẻ tiêm phòng vắc xin sởi khi đủ 9 tháng tuổi và tiêm mũi thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tuyên truyền nhằm thực hiện công tác giảm tải tại Bệnh viện trung ương.Phần lớn bệnh nhân tự khỏi và chỉ cần cách ly tại nhà. Chỉ đưa bệnh nhân đến bệnh viện khi có các dấu hiệu nghi sởi có biến chứng.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc