Ghen ăn, tức ở
Ghen ăn, tức ở là cụm từ nói tắt của những người có lòng đố kỵ với người khác. Chẳng hạn như những việc người khác làm mà bạn không làm được, bạn sẽ bắt đầu bực tức và soi mói để tìm ra chỗ không tốt của người khác và “xì môi, nhọn mỏ” mà cho rằng “thứ ấy cũng chẳng ra gì”, hoặc là đặt điều, nói xấu những gì người khác có.
Khi nhìn thấy một cô nàng xinh lung linh đi ngang qua, bạn sẽ nói “Nó đẹp cũng chỉ nhờ son phấn!” mà có khi còn cố tình nói to cho nhân vật nghe thấy để chọc ngoáy, trong lòng thì thầm ước câu nói của mình đánh trúng người ta, sự thật là bạn không hiểu rõ đối phương là người thế nào, chỉ là vì mình không được như họ nên tỏ thái độ như thế thôi. Kết quả cho việc ghen ăn, tức ở của bạn là sự bực tức tìm đến với bạn nếu như đối phương không thèm để ý và cũng có khi bị “vạ miệng” nếu nhân vật mà bạn động đến là một người có “máu mặt”. Cực kỳ nguy hiểm đấy nhé.
Ảnh minh họa. |
Nghi ngờ người khác
Khi nghi ngờ người khác, có nghĩa là đến bản thân mình bạn cũng không tin tưởng hoàn toàn hoặc chưa bao giờ bạn tin tưởng vào bản thân mình cả. Dù biết cuộc sống này có rất nhiều loại người tồn tại và chúng ta sẽ trở nên ngu ngốc nếu không biết nghi ngờ. Nhưng nếu sống mà không có sự tin tưởng thì có lẽ bạn đang cố gắng đuổi niềm tin của mình đi xa rồi.
Tin tưởng và nghi ngờ cách nhau không xa, có khi chỉ là một giây tích tắc suy nghĩ cũng biến tin tưởng thành nghi ngờ. Kết quả là bạn cứ đối diện với người khác, bạn cũng giống như đang đứng trước gương, nghi ngờ những điều người khác làm giống như bạn chỉ vào gương và nói: “Tôi sẽ không tin người này!” – là chính bản thân bạn. Cuộc sống này rất đơn giản, những gì mình làm với người khác thì có lúc mình sẽ nhận lại được từ một người khác nữa, nghi ngờ cũng thế đó bạn ạ.
Xu nịnh những người đem lại lợi ích cho mình
Bạn có biết rằng xu nịnh có thể mang đến cho bạn những người bạn, nhưng thực ra đó có thể cũng chính là kẻ thù. Chẳng hạn như khi bạn ngồi cạnh một người bạn học giỏi, bạn muốn “dựa hơi” nên dù người đó mặc một bộ quần áo không đẹp hay kiểu tóc để không phù hợp, bạn vẫn nén lòng và khen tới tấp. Cho đến khi họ thật sự nhận ra những gì bạn khen đều mang tính chất giả tạo, xu nịnh thì… “Đừng có mơ mà được như trước!”, người bạn ấy sẽ “cạch mặt” bạn luôn cũng nên. Rồi khi đi làm việc, cái kiểu cố gắng làm hài lòng người trên và luôn dùng lời lẽ ngọt ngào để xu nịnh mà không hay biết rằng “để làm ở vị trí này thì tôi cũng đã từng như cô/anh”… thế là trong mắt sếp, bạn không còn là một nhân viên đáng tin cậy.
Mỗi người đều có một tính nết, cá tính riêng. Nhưng nếu đã biết mình đang sở hữu những điểm không-mấy-tốt-đẹp thì hãy tìm cách bỏ đi, hoặc ít nhất đừng có nó phát triển thêm nữa bạn nhé.
Ý kiến bạn đọc