Hành trình tìm lại chính mình của giới thứ 3

06:01, 13/11/2012
|

(VnMedia) - Được trở về với chính mình không lúc nào là muộn, chính vì thế hiện nay nhiều người thuộc giới tính thứ 3 đều quyết định tìm lại con người thật của mình bằng nhiều cách khác nhau như chuyến giới, hay kết hôn đồng giới...

Vượt qua số phận...

Chỉ cách đây vài năm, những người “thân mai, hồn trúc” không những phải chịu sự kỳ thị, khinh miệt của xã hội, mà còn luôn “sống trong sợ hãi”, hoang mang khi “mình không phải là mình”. Ngoại trừ những người mang dáng dấp của một người bình thường về mặt sinh học (nhưng có xu hướng tình dục đồng tính), thì hầu hết những người mang khuyết tật về giới tính đều có chung khao khát được tìm lại con người bị “thất lạc” của chính mình, dù điều đó có thể lấy đi tuổi thọ và sức khỏe của họ sau khi chuyển giới.
 
Tuy nhiên, hiện nay, sự nhận thức của đại đa số người trong xã hội đã cởi mở hơn, đã có những cái nhìn cảm thông, chia sẻ với những khiếm khuyết của các đối tượng bị “khuyết tật về giới tính”. Điều này ít nhiều giúp họ có thêm sự tự tin bước trên con đường để tìm về chính mình.
 
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trong 10.000 đến 12.000 người bình thường thì sẽ có 1 người “giới tính chưa rõ ràng”. Như vậy, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 người “khuyết tật về giới tính” hoặc chưa xác định được giới tính. Thực tế những con người này, đặc biệt là giới gay, gặp rất nhiều điều khó khăn trong cuộc sống cũng như khẳng định quyền nhân thân.
 
Ngay từ nhỏ, Tường Vy, 24 tuổi (tên thật là Đỗ Hùng Cường, Q.1) đã thường xuyên bị bạn bè trêu chọc là “bóng”, “lại cái”… bởi vì cậu chỉ say mê các trò chơi của con gái. Trải qua những năm tháng tuổi thơ sống trong sự xa lánh của bạn nam trong xóm, nhưng Tường Vy chưa bao giờ cảm thấy buồn tủi và cô độc. Lớn lên, trong độ tuổi dậy thì, cậu “pê đê” ấy bắt đầu biết tìm hiểu đến thế giới của những chàng trai như mình. Lúc này, hơn bao giờ hết, cậu bắt đầu cảm thấy hoang mang, lo sợ với câu hỏi lớn nhất trong cuộc đời mình: “Tôi là ai?”.
 
Rồi thì Tường Vy cũng vẫn quyết định sống theo cái gọi là “bản năng”. Mặc dù nhận sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ, nhưng từ sâu thẳm tâm hồn, Vy vẫn mơ ước một ngày nào đó “cậu” có thể trở thành một phụ nữ được xã hội thừa nhận.

Ảnh minh họa

Người chuyển giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam
(Ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết)

Sau hành trình (giải phẫu) gần hai tuần từ Thái Lan trở về, Tường Vy đã trở thành một cô gái theo đúng nghĩa đen của từ này. Tuy nhiên, mọi việc lại càng trở nên rắc rối hơn khi cô không phải là…cô. Vì trong các giấy tờ cá nhân cô là một người, thực tế sau khi đã chuyển đổi giới tính, cô lại là người mang có giới tính và cả ngoại hình khác. Và cũng chính từ đây những chuyện dở khóc, dở cười xảy ra với Tường Vy như cơm bữa. Cô không thể đăng ký xe, đăng ký lại hộ khẩu, lại càng không thể sử dụng chứng minh nhân dân cũ trong các sinh hoạt thường nhật.
 
Giống như trường hợp của Tường Vy, Băng Tâm, sinh năm 1983 (tên thường gọi là “Dũng lì” ngụ ở Q. Tân Bình, TP.HCM) đã trải lòng: Từ năm học cấp hai Băng Tâm đã nhận thức được mình là một cô gái chứ không phải là một cậu trai. Mỗi lần nhìn bạn gái cùng lớp tung tăng với những trang phục yểu điệu, váy áo xinh xắn, cô “thèm không chịu được”. Cô luôn phải kiềm chế sự khát khao đó trong thời gian dài. Với các bạn trai, chưa bao giờ Băng Tâm dám nhìn thẳng vào mắt họ.
 
Đến khi bước vào ngưỡng cửa đại học, sự âm ỉ bấy lâu trong Tâm đã có cơ hội “bùng nổ”. Cô mạnh dạn cởi bỏ “lốt con trai” để khoác lên mình những bộ cánh của con gái. Kết quả: Băng Tâm đã trở thành người đến từ “hành tinh lạ” trong mắt bạn bè và thầy cô ở trường đại học nọ.
 
“Con giun xéo mãi cũng quằn”, không chịu được những ánh mắt xua đuổi, những lời xì xầm đàm tiếu của bạn học, cuối cùng Băng Tâm phải bỏ học giữa chừng. Giấc mơ trở thành một nhà xã hội học của cô tan biến như bọt xà phòng.
 
Sau rất nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, đắn đo, lo sợ về sự đau đớn thể xác (cũng như những cảnh báo như bị giảm tuổi thọ, phẫu thuật không thành công sẽ đánh đổi bằng sinh mạng) nhưng sự khao khát được sống đúng với thân phận của mình đã khiến Băng Tâm quyết định “liều mình” khăn gói sang Thái Lan.

Tương tự như Tường Vy, sau khi chuyển đổi giới tính, Băng Tâm không xin được bất cứ việc gì để làm vì không chứng minh được nhân thân. “Mỗi lần cần sử dụng đến chứng minh nhân dân là mình lại phải giải thích cho người ta câu hỏi muôn đời: Thực chất chị là ai?”, Băng Tâm ngậm ngùi chia sẻ.

Mong được... làm người

Để tồn tại, tự nuôi sống bản thân và mưu cầu hạnh phúc, rất nhiều người chọn ca hát làm kế sinh nhai. Hầu hết họ hát ở những buổi tiệc góp vui cho gia đình, hội chợ, đám ma, đám cưới. Tuy nhiên, trong số họ cũng không ít người nghiêm túc đầu tư công sức và tiền bạc cho nghề và đã thành danh như Cindy Thái Tài, Di Yến Quỳnh, Bích Vân… và mới đây là Lâm Chí Khanh hay Hương Giang Idol... Với nghề ca hát, có lẽ không khán giả nào “nỡ” đòi xem giấy tờ tùy thân, khi họ trình diễn.

Ảnh minh họa

Cindy Thái Tài - người chuyển giới hiện khá thành công với vai trò một ca sĩ
(Ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết)

Hiện tại, đa phần những người chuyển giới này cũng đã tìm được cho mình một nửa yêu thương thật sự. Vượt qua rất nhiều sóng gió, đánh đổi cả máu và nước mắt, thế nhưng họ vẫn đau đáu ước ao rất đỗi bình thường. “Tôi mong được làm lại chứng minh nhân dân, cấp bằng lái xe, được xã hội chấp nhận một con người mới, được ký vào giấy đăng ký kết hôn như bao đôi vợ chồng khác…”. Nói đến đây, mắt Tường Vy lóe lên một tia hy vọng.
 
Được trở về với chính mình không lúc nào là muộn. Trên thế giới, cụ thể là ở Mỹ đã ghi nhận ông Richard Ramsey, 77 tuổi, là người cao tuổi nhất tại nước này chuyển đổi giới tính. Ông là người từng phục vụ trong quân đội 20 năm trước khi chuyển đổi giới tính thành bà Renee Ramsey hồi tháng 6 vừa qua. Ông thú nhận đã cảm thấy không bình thường về tình trạng giới tính của mình ngay từ khi còn nhỏ nhưng chưa mãnh liệt lắm.

Cuối cùng, Richard đã chắc chắn về “người đàn bà tiềm ẩn bên trong” cơ thể mình năm ông 50 tuổi. Giờ đây, Renee Ramsey rất tự hào khi trở thành một quý bà đúng nghĩa: “Thật tuyệt vời. Lúc này, điều khó khăn nhất với tôi là phải học cách sống của một người phụ nữ. Khi giận dữ với ai đó, tôi phải thể hiện mình một cách nhẹ nhàng…”


Song Nam

Ý kiến bạn đọc