Thuốc cần chuẩn bị cho ngày Tết

06:36, 07/02/2016
|

(VnMedia) - Tết đến, mọi người không những cần chuẩn bị Tết mà còn cần quan tâm tới sức khỏe, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ. Bởi thời tiết đông xuân thường có thể gây nhiều bệnh cho trẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Dược sĩ Lữ Ngọc Thuyền - Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, để cả nhà an tâm đón xuân, gia đình nên chuẩn bị các thuốc dự phòng trong tủ thuốc gia đình để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Một số thuốc cần dự phòng, gia đình đi chợ Tết nhớ mua để bổ sung vào tủ thuốc gia đình:

- Thuốc hạ sốt (như Paracetamol)

- Thuốc giảm đau (như Paracetamol)

- Thuốc tiêu hóa (gói ORS trị bệnh tiêu chảy, men tiêu hóa, men vi sinh, thuốc trị táo bón, chống đầy hơi, chống trào ngược)

- Thuốc ho (dạng siro thảo dược…)

- Thuốc chống dị ứng, chống ngứa, mề đay…

- Thuốc nhỏ mũi, mắt (như NaCl 0.9%)

- Thuốc nhỏ tai (như NaCl 0.9%)

- Thuốc chữa bỏng (bỏng nhẹ, …)

- Dầu gió (muỗi cắn, ấm cơ thể…)

- Bông băng, gạc, băng cá nhân, dung dịch sát khuẩn ngoài da thông dụng.

- Một số dụng cụ dùng để nghiền, pha thuốc cho trẻ dễ uống có bán tại các nhà thuốc.

Phải tìm hiểu và biết rõ cách dùng của các loại thuốc dự phòng (nhờ nhân viên y tế, dược sĩ nhà thuốc tư vấn và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng)

Đọc kỹ tên thuốc khi dùng thuốc tránh nhằm với các thuốc khác.

Khi lưu trữ thuốc, phải thường xuyên kiểm tra hạn dùng và cảm quan của thuốc, không dùng thuốc hết hạn dùng, thuốc bị biến đổi màu.

Lưu trữ tủ thuốc gia đình nơi thoáng mát, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra; để thuốc tránh xa tầm với, tầm thấy của trẻ.

Thuốc để dự phòng sẵn trong tủ thuốc để dùng trong trường hợp cần thiết, gia đình có thể tự ý dùng để trị các triệu chứng nhẹ và xử lý tình huống nhưng tuyệt đối không lạm dụng thuốc. Khi thấy có những bất thường, triệu chứng cấp cứu, hay bé bệnh kéo dài sức khỏe không cải thiện phải đưa bé đến bệnh viện hay trung tâm y tế để kiểm tra và chữa trị kịp thời.

Ngoài những thuốc kể trên, bạn cũng nên dự trữ một vài miếng urgo phòng khi chế biến thức ăn bị đứt tay; bông băng, dung dịch muối loãng, povidine (bôi ngoài da sát trùng), nước oxy già, cồn 70 độ, bông băng, một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế), thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, trà gừng…

Thuốc kháng sinh thì không được mua dự phòng khi không có đơn của bác sĩ. Thuốc kháng sinh chỉ dùng để điều trị khi có bệnh nhiễm khuẩn và tùy theo mức độ của bệnh cũng như bệnh thuộc cơ quan nào thì dùng loại kháng sinh gì chứ không thể dùng tự do được. Dùng kháng sinh bừa bãi, không những không khỏi bệnh mà nhiều trường hợp bệnh nặng thêm, đôi khi gây nguy hiểm.

Để cho những ngày Tết đúng nghĩa, những người bệnh đang dùng thuốc, nhất là bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh đái tháo đường, hen suyễn... ngoài việc có thuốc dùng đủ thì nên tự nhắc nhở mình là đang mang bệnh cho nên cần ăn, uống kiêng khem đúng mực (không lạm dụng và cũng không nên kiêng khem quá mức). Ăn điều độ, đúng bữa, không nên uống quá nhiều rượu, bia, cà phê hoặc hút nhiều thuốc lá, bởi vì ngày Tết người thân trong gia đình hoặc bạn bè, do tế nhị nên rất khó nhắc nhở. Các loại thuốc dự phòng khác không phải cho bệnh mạn tính cũng chỉ chuẩn bị vừa đủ trong các ngày Tết, không nên mua với số lượng nhiều, bởi vì khi thuốc đã quá hạn sử dụng thì phải bỏ đi, nếu tiếp tục dùng sẽ lợi bất cập hại.


Ý kiến bạn đọc