Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh tới hơn 80%, ở giai đoạn 2, tỉ lệ này sẽ là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang tuổi 40 rất quan trọng vì có thể tăng khả năng trị lành, hay kéo dài sự sống còn và mang lại cuộc sống khỏe mạnh về thể xác và tinh thần cho người không may mắc bệnh.
Ông Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng chia sẻ: Thực tế, 50% bệnh nhân ung thư có thể được cứu sống bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích).
Việc chẩn đoán và điều trị ung thư vú đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho biết, điều trị ung thư vú không phải là một sớm một chiều.
Nguyên nhân gây ra ung thư vú
Khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ung thư vú nhưng có một vài tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
Tiền căn thai sản: Phụ nữ chưa từng sinh con hoặc mang thai lần đầu sau 30 tuổi có nguy cơ bị ung thư vú gấp đôi so với phụ nữ có ít nhất một con trước 30 tuổi.
Tiền căn phơi nhiễm bức xạ vùng ngực: Trước đây, khi bệnh lao phổi còn phổ biến, nhiễm bức xạ thường xảy ra với phụ nữ bị chụp X-quang phổi nhiều lần. Hiện tượng này cũng được ghi nhận ở các phụ nữ Nhật bị nhiễm phóng xạ trong thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Ngày nay, tác nhân này rất hiếm gặp nhưng bạn cũng nên thận trọng với những tình huống phơi nhiễm bức xạ không cần thiết trong y khoa.
Những bệnh lý tuyến vú lành tính: Một vài loại bệnh lý tuyến vú lành tính có xu hướng trở thành ung thư nhiều hơn các loại bệnh lý tuyến vú lành tính khác. Do vậy, bạn nên khám định kỳ để được các bác sĩ theo dõi và họ sẽ đề nghị phẫu thuật khi cần thiết để phòng ngừa bệnh.
Chế độ ăn uống và tình trạng thừa cân: Số lượng calori đưa vào cơ thể càng cao, nguy cơ mắc ung thư vú càng tăng. Những phụ nữ có chế độ ăn nhiều calori có nguy cơ mắc bệnh gấp 1,5 - 2 lần phụ nữ bình thường. Ngoài ra, tình trạng thừa cân, thói quen hút thuốc, chế độ ăn ít trái cây, ít rau củ, cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các liệu pháp nội tiết tố: Các liệu pháp nội tiết tố (được chỉ định để ngừa thai hay điều trị thay thế trong giai đoạn mãn kinh) không làm gia tăng nguy cơ gây ung thư vú. Tuy nhiên, những phụ nữ được điều trị bằng các liệu pháp nội tiết tố phải được theo dõi sát sao bởi các bác sĩ của họ để có thể phát hiện sớm ung thư vú, nếu có.
Các nguy cơ mang tính gia đình:
- Di truyền: Khoảng 5- 6% các trường hợp ung thư vú là do di truyền của một gien bất thường, còn gọi là gien đột biến. Nếu nhận di truyền gien đột biến, khoảng 70-80% các phụ nữ này sẽ bị ung thư vú về sau. Nếu không nhận gien di truyền, nguy cơ mắc bệnh của họ cũng như mọi phụ nữ bình thường khác. Theo lý thuyết, bệnh ung thư sẽ xuất hiện vào giai đoạn đầu của cuộc sống (có thể xác minh bằng xét nghiệm gien) nên nếu xảy ra trường hợp này, những người trong dòng họ cần được theo dõi đặc biệt.
- Môi trường sống trong gia đình: Có những gia đình có nhiều người bị ung thư vú, nhưng không tìm được tác nhân có tính di truyền. Điều này được lý giải là do sống chung trong một môi trường nên vô tình họ gặp cùng các tác nhân nguy cơ như: ít sinh đẻ, có khuynh hướng bị bệnh lý tuyến vú lành tính, bệnh béo phì… Trong các gia đình này, nguy cơ mắc bệnh gấp 2-3 lần các gia đình khác. Những chấn thương tâm lý nghiêm trọng (tang chế của người thân chẳng hạn) cũng có thể là một tác nhân nguy cơ làm phát triển ung thư vú.
Triệu chứng khi mắc bệnh ung thư vú
Triệu chứng thường gặp của ung thư vú là một khối bướu có thể sờ nắn được bằng tay, có kích thước khoảng từ 1cm trở lên và không đau. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một vài dấu hiệu bất thường khác để phát hiện ung thư vú như:
- Tiết dịch núm vú, nhất là khi có lẫn máu hoặc có màu hơi đen- Tổn thương dạng chàm khiến núm vú trở nên đỏ, đóng vảy hoặc loét, khuyết
- Núm vú bị thụt vào trong
- Xuất hiện vết lõm hoặc nếp nhăn kéo lõm bề mặt của tuyến vú
- Tổn thương dạng “da cam” của tuyến vú
Tất cả những dấu hiệu trên không phải chỉ gặp ở ung thư vú mà còn xuất hiện ở các trường hợp tổn thương lành tính dạng bướu đặc (như bướu lành sợi – tuyến vú), hoặc dạng nang (như các nang lành tính của tuyến vú). Khi nhận thấy bất cứ một dấu hiệu nào bất thường, bạn cần đi khám ngay và bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm bổ sung, nếu cần
Ý kiến bạn đọc