Báo động: Nguy cơ dịch chồng dịch

07:00, 03/02/2016
|

Ngày 2/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Cúm gia cầm lây truyền sang người đã xuất hiện nhiều chủng, trong đó có một số chủng lây truyền sang người với số trường hợp mắc và tử vong cao, khó khống chế.

Bệnh cúm A(H7N9) ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc và đến nay vẫn chưa khống chế được. Đồng thời, cúm A(H9N2), cúm A(H5N8) đã ghi nhận trên gia cầm tại Trung Quốc. Bệnh cúm A(H5N1) xảy ra từ năm 2003 đến nay vẫn đang lưu hành tại 16 quốc gia. Trên thế giới, chủng vi rút cúm A(H1N1) lưu hành rộng khắp ở tất cả các châu lục, lưu hành cao tại các nước khu vực Trung và Tây Á.

Tại Việt Nam, trong năm 2015 và tháng đầu năm 2016, cả nước chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), cúm A(H7N9) và cúm A(H5N8). Tuy nhiên, tình hình dịch cúm gia cầm ở nước ta vẫn tiếp tục ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố với 62 ổ dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi 2 chủng vi rút là chủng cúm A(H5N1) và chủng cúm A(H5N6). Các ổ dịch cúm xảy ra chủ yếu ở hộ gia đình, xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh chỉ xuất hiện từ 1 đến 2 hộ có dịch. Các ổ dịch đã được xử lý triệt để không lây lan rộng tại cộng đồng. Tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ, chủ yếu lưu hành chủng vi rút cúm A(H5N6), còn chủng vi rút cúm A(H5N1) lưu hành chủ yếu ở khu vực phía Nam. Vì vậy, nguy cơ cúm gia cầm lây nhiễm sang người là rất cao do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tập quán giết mổ và ăn uống không đảm bảo vệ sinh của người dân.

Theo kết quả giám sát cúm trọng điểm tại Việt Nam, ghi nhận các trường hợp mắc chủ yếu là cúm A(H3N2) với tỷ lệ là 80%; cúm B là 11%, cúm A(H1N1) là 9%. Trong thời điểm hiện nay, do thời tiết lạnh, ẩm nên số bệnh nhân nhập viện do cúm có tăng lên.

Nguyên nhân là do vi rút H5N1 và H5N6 lưu hành rộng khắp nơi và lây lan thông qua các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm, chưa kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm; công tác tiêm phòng vắc xin không triệt để…

Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Nguy cơ dịch cúm gia cầm còn rất cao. Qua kiểm tra giám sát, đàn gia cầm nhất là đàn vịt, tỷ lệ mang mầm bệnh đặc biệt ngoài H5N1 ra thì H5N6 cũng rất cao. Mặc dù qua kiểm soát chúng ta chưa phát hiện được vi rút H7N9 có mặt ở Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và gây tử vong cho người cũng rất cao. Bệnh lở mồm long móng, tuýp A phân bố trên diện rộng, cho nên việc chiến lược tiêm phòng vắc xin của chúng ta không chỉ dùng tuýp Ô mà còn phải dùng vắc xin nhị giá gồm tuýp O và tuýp A".

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân có sự gia tăng về giao lưu, đi lại của người dân giữa các quốc gia, khu vực và nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm lớn của người dân thì nguy cơ các chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền từ gia cầm sang người là hoàn toàn có thể.

Để phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm chết không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không được giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Để phòng chống bệnh cúm mùa, người dân phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Mọi người cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc cúm khi không cần thiết...


Ý kiến bạn đọc