Virus "ăn não" nguy hiểm như thế nào?

13:15, 23/01/2016
|

Virus Zika đang lây lan với tốc độ đáng báo động, nhất là ở các nước châu Mỹ, và khiến hàng ngàn trẻ em sinh ra kém phát triển não bộ.

Một số vùng trên thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Các bác sĩ mô tả đây là “một đại dịch bùng phát”. Phụ nữ có thai được khuyến cáo không nên đến những vùng đang có dịch để bảo vệ sức khỏe thai nhi.

Nguồn gốc căn bệnh

Ca nhiễm bệnh đầu tiên được xác nhận do virus Zika gây ra là Uganda vào năm 1947. Một vài trường hợp nhỏ lẻ cũng từng được ghi nhận tại châu Phi, Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tháng 5/2015, các ca nhiễm bệnh trở lại tại Brazil và một số nước khác thuộc châu Mỹ như Colombia, El Salvador, Guatemala, Mexico, Paraguay, Venezuela…

Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết: “Sự tái xuất hiện và bùng phát của đại dịch này là một điều vô cùng đáng lo ngại”.

Con đường lây lan?

Loại virus này lây truyền từ người sang người thông qua một loại muỗi phổ biến tại châu Mỹ có tên khoa học là Aedes aegypti, cũng gây lan truyền bệnh sốt xuất huyết và virus chikungunya. Không giống như muỗi truyền bệnh sốt rét thông thường, loại muỗi này chủ yếu hoạt động vào ban ngày. Bởi vậy, các biện pháp phòng tránh đơn giản như mắc màn khi ngủ cũng không đem lại tác dụng phòng bệnh hữu hiệu.

Mức độ nguy hiểm

Tỷ lệ tử vong do nhiễm virus Zika là rất hiếm. Chỉ có khoảng 1 trong 5 người nhiễm virus có các biểu hiện: Sốt nhẹ, viêm kết mạc (đỏ mắt, đau mắt), đau đầu, đau khớp, phát ban.

Hiện chưa có loại vắc-xin phòng ngừa hoặc thuốc điều trị hiệu quả cho người nhiễm virus Zika. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể.

Tuy nhiên, tác động nguy hiểm nhất của loại virus ngày là đối với thai nhi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh “ăn não” ở trẻ mới sinh. Đó là khi trẻ sinh ra với phần đầu nhỏ bất thường và thường đi kèm với việc não bộ phát triển không bình thường.

Mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này tùy theo thể trạng của thai phụ và trẻ sơ sinh. Một số trường hợp có thể dẫn tới tử vong bởi não kém phát triển và không thể tự điều chỉnh các chức năng quan trọng đối với cuộc sống.

Trẻ mắc bệnh còn phải sống với nhiều kiếm khuyết về mặt trí tuệ và chậm phát triển.

Brazil đã ghi nhận chưa tới 150 ca mắc bệnh “ăn não” trong năm 2014, nhưng có tới 4.000 trường hợp mắc bệnh chỉ tính từ tháng 10/2015.

Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể về mối liên hệ giữa virus Zika và bệnh “ăn não”, nhưng một số trường hợp trẻ sơ sinh tử vong đã tìm thấy virus trong não và không hề có lời giải thích nào khác cho hiện tượng này.

Biện pháp

Bởi hiện chưa có thuốc chữa trị nên biện pháp duy nhất là phòng ngừa và tránh để bị muối đốt. Các cơ quan y tế khuyến cáo người dân hãy sử dụng thuốc chống côn trùng và mặc quần áo dài tay. Bên cạnh đó, cần giữ cho mỗi trường sống sạch sẽ và thoáng mát, tránh để nước đọng trong thùng, xô, chậu.

Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai không nên đến các khu vực đang chịu ảnh hưởng của virus Zika.

Bộ trưởng Y tế Brazil cho biết một loạt thử nghiệm mới đang được tiến hành để phát triển loại vắc-xin phòng chống hữu hiệu. Một số nhà khoa học cũng đang nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm muỗi vô trùng biến đổi gen với mục đích làm giảm 90% quần thể muỗi.

Vi rút ZIKA xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể

Tại Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút ZIKA. Tuy nhiên nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes, đây là muỗi truyền vi rút ZIKA, đồng thời hiện nay vi rút ZIKA đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn nên nguy cơ vi rút ZIKA có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta.

Bệnh do vi rút ZIKA chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh bằng cách diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút ZIKA xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành vi rút ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.


Ý kiến bạn đọc