(VnMedia) - Ho là phản xạ tốt của cơ thể nhằm làm sạch đường hô hấp. Tuy nhiên, ho kéo dài là nỗi lo âu thật sự của các bậc cha mẹ. Vậy cha mẹ phải làm gì khi trẻ ho kéo dài?
Trong khi ho cấp tính ở trẻ em thường do nhiễm siêu vi đường hô hấp, thì ho kéo dài, được định nghĩa là ho liên tục trên 4 tuần, có nhiều nguyên nhân khác nhau, và đôi khi có thể trầm trọng. Điều quan trọng đối với ho kéo dài là phải tìm được nguyên nhân và điều trị thích hợp, hơn là dùng các thuốc ức chế ho một cách bừa bãi.
Nguyên nhân khiến trẻ ho kéo dài
Có nhiều nguyên nhân gây ho kéo dài. Tính chất ho có thể gợi ý một số nguyên nhân như: ho có đờm (ho dị ứng, hen…), ho cơn đỏ mặt ( ho gà, dị vật đường thở, ho do tác nhân Mycoplasma, Chlamydia…), ho về đêm ( viêm mũi xoang, hen..), ho sau vận động ( hen), không bao giờ ho lúc ngủ ( ho do tâm lý). Ho kéo dài có thể do nguyên nhân tại phổi ( hen, dị vật, lao…) hay do nguyên nhân ngoài phổi ( viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý tim mạch, tác dụng phụ của thuốc nhất là các thuốc tim mạch có tác dụng ức chế men chuyển…).
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân gây ho kéo dài cũng thay đổi theo độ tuổi
Trẻ nhũ nhi
- Trào ngược dạ dày
- Nhiễm trùng
- Dị tật bẩm sinh đường hô hấp
- Tim bẩm sinh
- Ô nhiễm môi trường
- Hen phế quản
Trẻ nhỏ
- Tăng mẫn cảm phế quản sau nhiễm
- Hen phế quản
- Ô nhiễm môi trường
- Trào ngược
- Dị vật
Trẻ lớn
- Hen phế quản- Chảy mũi sau
- Ô nhiễm môi trường
- Lao
- Dãn phế quảnHo do tâm lý
Ở trẻ nhũ nhi:
- Tác nhân nhiễm trùng: nhiễm virus hợp bào hô hấp, ho gà, nhiễm Chlamydia, Cytomegalovirus, lao
- Dị tật bẩm sinh: dị tật đường dẫn khí, dò khí quản thực quản
- Ô nhiễm môi trường: hít khói thuốc lá, bụi bặm
Làm gì khi trẻ ho kéo dài?
Khi trẻ ho kéo dài nên được khám lâm sàng cẩn thận, hỏi về tiền sử dị ứng, hen phế quản trong gia đình, tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bặm, tiền căn tiếp xúc nguồn lây lao.
Trẻ nên được làm các xét nghiệm:
- Chụp X-Quang phổi, công thức máu
- Thử nghiệm lao như: tốc độ lắng máu, IDR tìm phản ứng trong da với lao, tìm vi trùng lao trong đàm hay dịch dạ dày.
- Chụp hình xoang
- Đo chức năng hô hấp
- Siêu âm bụng (trẻ nhủ nhi)
- Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán tìm vi trùng Mycoplasma, Chlamydia, ho gà
- Nội soi phế quản (nghi ngờ dị vật)
Nguyên nhân thường gặp do viêm mũi dị ứng hay viêm mũi xoang mãn tính. Tỷ lệ viêm mũi dị ứng ở Hongkong trẻ từ 6-7 tuổi là 33%, từ 13-14 tuổi là 52% . Chảy mũi sau kích thích trực tiếp vào các cảm thụ quan gây ho ở thành sau họng, đồng thời hít chất tiết từ mũi khi nằm có thể gây phản xạ mũi- phế quản dẫn đến ho. Bệnh nhân bên cạnh triệu chứng ho kéo dài còn có triệu chứng ngứa mũi , nghẹt mũi. Bệnh nhân nên đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị thích hợp như tránh tác nhân gây dị ứng, uống thuốc chống dị ứng, dùng thuốc chống viêm dạng xịt…
Hen phế quản:
Tần suất hen phế quản ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Trẻ nhũ nhi triệu chứng hen không điển hình đôi khi khó nhận biết và dễ bị chẩn đoán sót, nghi ngờ trẻ có hen phế quản khi có tiền căn ho và khò khò trên ba lần, trẻ có thể lên cơn ho và khò khè sau khi có những yếu tố khởi phát như: nhiễm siêu vi đường hô hấp, tiếp xúc bụi, khói thuốc lá, chó mèo, vận động... Ở trẻ lớn cơn hen có thể biểu hiện rõ ràng hơn trẻ hắt hơi chảy nước mũi sau đó ho và khò khè. Trẻ tự nhận biết khi có cơn hen như cảm giác nặng ngực, khó thở, khò khè. Tuy nhiên có nhiều trẻ không có cơn hen điển hình mà chỉ biểu hiện duy nhất là ho kéo dài khi đo chức năng hô hấp phát hiện hội chứng tắc nghẽn hô hấp có đáp ứng với thuốc dãn phế quản. Trẻ nên được đến khám tại chuyên khoa hô hấp nhi để điều trị cắt cơn và điều trị phòng ngừa thích hợp, các thuốc giảm ho không điều trị được ho kéo dài do hen phế quản.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhũ nhi chiếm khoảng 40-65% ở trẻ khoẻ mạnh, cao nhất ở trẻ 1-4 tháng, tự khỏi sau 12 tháng. Tuy nhiên nếu hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản gây ra các biến chứng thì được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản, Ho kéo dài có thể là biểu hiện duy nhất của trào ngược dạ dày thực quản chiếm khoảng 15%. Ho kéo dài là do trẻ hít dịch từ dạ dày trào lên thực quản vào phổi gây hiện tượng viêm vùng thanh quản và phế quản. Ở trẻ nhũ nhi bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể có biểu hiện cơn ngưng thở, nhịp tim chậm, viêm phổi hít tái đi tái lại. Để chẩn đoán xác định cần phải đo độ pH trong thực quản 24 giờ, hoặc siêu âm bụng để tìm dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản.
Điều trị bao gồm nằm đầu cao, làm đặc sữa, thức ăn và dùng thuốc như primperan, motilium, thuốc ức chế H2 như Cimetidine, Ranitidine, ức chế bơm proton như omeprazole. Đa số điều trị nội khoa thành công chiếm 80%. Phẫu thuật chỉ cần thiết trong những trường hợp nặng không đáp ứng điều trị nội khoa.
Ho kéo dài sau nhiễm trùng-virus đường hô hấp:
Thường có thể chẩn đoán và điều trị lầm như hen phế quản. Tác nhân gây ho kéo dài có thể do virus hợp bào hô hấp, Parainfluenzae. Mycoplasma, Chlamydia, ho gà... Cơ chế ho kéo dài là do hiện tượng viêm nhiễm dai dẳng đường hô hấp với sự tăng mẫn cảm phế quản tạm thời sau nhiễm trùng. Bệnh có thể tự giới hạn và tự khỏi mà không cần điều trị gì.
Ho do tâm lý – thói quen ( psychogenic- habitual cough)
Đây là chẩn đoán loại trừ sau khi đã tìm hết các nguyên nhân khác, thường xảy ra ở trẻ thiếu niên. Ho khan, ho nhiều, tăng lên khi căng thẳng, không ho lúc ngủ hay lúc tập trung làm việc gì thích thú. Có thể kèm theo triệu chứng tic (máy giật ở mặt). Trẻ nên đến khám và điều trị ở chuyên gia tâm lý.
Khám lâm sàng, hỏi bệnh sử và tiền sử thật cẩn thận cùng với những xét nghiệm thích hợp, ho kéo dài có thể được chẩn đoán đúng và điều trị thành công trong đa số các trường hợp. Những trường hợp khó khăn, nguyên nhân phức tạp nên mang trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp nhi.
Khi nào cần cho trẻ ho kéo dài đi khám bệnh?
Trước hết cần lưu ý là mọi trẻ có tình trạng ho kéo dài đều nên được đi khám và xét nghiệm đầy đủ để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ có các dấu hiệu cảnh báo - cần phải đưa trẻ đi khám ngay:
- Khó thở
- Ho ra máu
- Ho khởi phát đột ngột sau khi trẻ ăn hay chơi (gợi ý dị vật đường thở)
- Ho kèm sốt cao
- Ho khạc đàm đặc, màu xanh - vàng, có mùi hôi
Những trẻ có một số triệu chứng gợi ý các nguyên nhân đặc biệt khác cũng cần đi khám càng sớm càng tốt:
- Ho có đờm kéo dài
- Thở khò khè (gợi ý hen suyễn)
- Ho kèm sụt cân, đổ mồ hôi về chiều (gợi ý lao)
- Khó ăn/bú - khó nuốt…
Ý kiến bạn đọc