(VnMedia) - Một câu hỏi luôn được đặt ra và tưởng chừng dễ thực hiện nhưng lại luôn là vấn đề nóng mỗi dịp cuối năm, đó là làm thế nào để kiểm soát và ngăn chặn được các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?
Chương trình giao lưu trực tuyến về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với mong muốn giúp độc giả có thêm những lựa chọn đúng khi tìm mua và sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm tiêu dùng trong những ngày giáp Tết và Tết, đặc biệt là tại Hà Nội. Đồng thời Chương trình cũng sẽ giải đáp các thắc mắc và băn khoăn của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.
Phát hiện vi phạm phải công bố, cảnh báo ngay
Tết đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rất lớn, trong khi điều kiện về an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Câu hỏi đặt ra: Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương có những biện pháp gì để hạn chế thấp nhất các rủi ro trong quản lý an toàn thực phẩm?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y Tế cho biết, đây là một chương trình chúng tôi cho là hết sức quan trọng. Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng tăng rất cao. Cầu tăng như vậy thì cung cấp cho thị trường dứt khoát sẽ tăng lên. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ hoạt động hết công suất. Mặt khác do đặc thù sản xuất, chế biến thực phẩm ở Việt Nam nhiều khi có những doanh nghiệp chỉ sản xuất theo mùa vụ.
Theo đó, tập trung vào 2 hoạt động chủ yếu: Hoạt động thông tin giáo dục truyền thông pháp luật, kiến thức mua bán, sử dụng thực phẩm an toàn vệ sinh; tổ chức, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất lớn, với các sản phẩm: Thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, rau củ quả,… đó là những nhóm hàng tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết. Ngoài ra, các đoàn thanh tra sẽ tập trung thanh tra tại các thành phố lớn, các chợ đầu mối, những địa điểm tập trung chuyển các nguồn hàng về các tỉnh, cửa khẩu.
Ông Phong nhấn mạnh, các đoàn đi lấy mẫu về phải tập trung kiểm tra, kiểm nghiệm ra kết quả nhanh mẫu để phát vi phạm phải xử lý, công bố, cảnh báo ngay. Đây là hoạt động chủ yếu trong chỉ đạo dịp Tết năm nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu phải công bố các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là chỉ đạo rất quyết liệt.
Liệu có sự chồng chéo trong công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm?
Với câu chuyện tại trường Tiểu học Phú Thượng vừa qua, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, lượng cung cấp rau, nguyên liệu cho mấy trường học so với những công ty lớn, số lượng cũng không phải lớn nhưng dư luận xã hội rất bức xúc, đây là cái chúng ta phải quan tâm. Đây là một hành vi "treo đầu dê bán thịt chó". Anh được cấp giấy phép hoạt động thì phải tuân thủ quy định của pháp luật nhưng anh lại lợi dụng việc đó để vi phạm pháp luật. Ngay sau khi có thông tin thì trước hết chúng ta phải biểu dương những lực lượng ngăn chặn và phát hiện, cụ thể ở đây là lực lượng cảnh sát môi trường và lực lượng thanh tra.
Đây là sự việc gây tác động dư luận rất xấu, phải xử lý nghiêm. Với trách nhiệm công tác liên ngành, chúng tôi đã có văn bản đề nghị nếu phát hiện đúng sự việc nêu như vậy thì xử lý theo mức cao nhất của khung. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo không vì sự việc như vậy mà đánh giá toàn thể bức tranh về sản phẩm rau thịt của Hà Nội.
Bên cạnh những hạt sạn như vậy, còn có rất nhiều cơ sở thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất nhiên về nguyên tắc người tiêu dùng có quyền yêu cầu 100% an toàn, đấy chính là quyền của người tiêu dùng nhưng trên thực tế, không phải ở Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển cũng có những sản phẩm không đạt yêu cầu. Các nhà báo chắc cũng theo dõi việc thu hồi những thực phẩm ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada… thì thấy vấn đề an toàn thực phẩm rủi ro là khó tránh.
Vừa qua 3 bộ đã trình Chính phủ thí điểm thanh tra chuyên ngành thực phẩm ở 2 thành phố Hà Nội và TPHCM. Hy vọng trong 1 năm triển khai nếu thành công thì Chính phủ sẽ cho phép triển khai trên cả nước, trên nguyên tắc không tăng biên chế. Chúng ta yên tâm không lo lắng việc chồng chéo, các cấp cơ quan được giao nhiệm vụ phải đủ về nhân lực, tài lực để thực thi nhiệm vụ.
Xử lý cương quyết, tránh trường hợp nể nang
Ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định rằng, nếu không thanh tra sẽ không phát hiện được vi phạm. Càng thanh tra thì chúng ta phát hiện được nhiều vi phạm, đó là bình thường. Chúng ta phải duy trì thanh tra kiểm tra thường xuyên hơn để các vụ vi phạm bị phát hiện nhiều hơn, góp phần để thị trường thực phẩm an toàn hơn. Vấn đề là khi phát hiện phải kiên quyết xử lý.
Thực tế qua quá trình kiểm tra đôn đốc, một số địa phương làm rất nghiêm túc, xử lý rất mạnh mẽ nhưng có những địa phương tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng số các cơ sở bị xử phạt rất ít, như có địa phương 1 năm tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra nhưng chỉ xử lý 2 cơ sở.
Một số địa phương báo cáo do thiếu chế tài, nhưng nếu không có chế tài thì không thể phạt được một cơ sở nào chứ không phải 2 cơ sở. Do đó, chúng ta phải xử lý cương quyết, tránh trường hợp nể nang.
Nhiều người nói là mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nhưng trong lĩnh vực thực phẩm mức xử phạt tương đối nghiêm khắc. Ví dụ mức xử phạt tối đa theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng, với lĩnh vực an toàn thực phẩm nếu mức xử phạt đó chưa tương xứng thì luật còn cho phép phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm. Nếu chúng ta dám quyết liệt làm thì không lo không đủ sức răn đe.
Các cơ sở vi phạm ngoài việc phạt tiền, xử lý bằng hình phạt bổ sung, còn công bố tên các cơ sở vi phạm, địa chỉ công ty, hành vi vi phạm... Đây là biện pháp bổ sung rất hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc