(VnMedia) - Đó là khẳng định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) về việc tiêm chủng vắc xin Quivaxem 5 trong 1
Vắc xin Quinvaxem là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh viêm màng não/viêm phổi nặng do vi khuẩn Hib gây ra, như vậy chỉ cần một mũi tiêm đã có thể phòng được 5 bệnh cho trẻ em.
Nghiên cứu lâm sàng đáp ứng kháng thể đối với vắc xin Quinvaxem cho thấy tỷ lệ sinh kháng thể bảo vệ phòng bệnh sau khi tiêm 3 liều vắc xin là 100% đối với bệnh bạch hầu, uốn ván; 98% đối với bệnh do Hib gây ra; 97% đối với bệnh ho gà và 94% đối với bệnh viêm gan B.
Đây là loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng.
Trên thế giới, vắcxin Quinvaxem cũng đã được sử dụng tại hơn 90 quốc gia với hơn 400 triệu liều. Tại Việt Nam, vắc xin Quinvaxem bắt đầu sử dụng từ tháng 6/2010 do WHO tài trợ. Từ tháng 10/2012 đến 3/2013 có 12 ca tử vong sau khi được tiêm vắc xin Quinvaxem.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem cho đến tháng 10/2013, khi chuyên gia độc lập quốc tế, chuyên gia của WHO, và chuyên gia của Việt Nam khẳng định là 12 ca tử vong kể trên không do vắc xin Quinvaxem.
Tuy nhiên, từ khi vắc xin Quinvaxem được dùng lại đến nay, từ tháng 1 đến tháng 11/2015, cả nước có 8 ca tử vong sau tiêm Quinvaxem. Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp và 1 ca sốc phản vệ. Ngoài ra còn có thêm 8 ca phản ứng nặng (sốt cao, co giật, tím tái) nhưng đều đã được cấp cứu kịp thời.
Do liên tục xảy ra các vụ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem, người dân đã nghi ngại về chất lượng của loại vắc xin này. Chính vì lo lắng cho tính mạng của con mình mà nhiều bậc cha mẹ đã chuyển sang tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim.
WHO tái khẳng định vắc xin Quinvaxem an toàn
Ngày 18/12, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc ra thông cáo chung khẳng định không có bằng chứng cho thấy có vấn đề về sự an toàn của vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem ở Việt Nam cũng như một số quốc gia khác.
Trong thời gian vừa qua, nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng trước thông tin về mối liên hệ giữa việc một số trẻ tử vong hoặc có các phản ứng không mong muốn khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.
Về vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã hỗ trợ một cuộc điều tra với sự giúp đỡ kỹ thuật độc lập từ trong nước và quốc tế. Kết quả không tìm thấy bằng chứng để nghi ngờ chất lượng và sự an toàn của vắc xin 5 trong 1 đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tử vong của trẻ sau tiêm.
WHO và UNICEF nhấn mạnh, vắc xin Quivaxem 5 trong 1 bảo vệ trẻ em chống lại 5 căn bệnh đe dọa cuộc sống. Nguy cơ tử vong hoặc bị các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib hoặc viêm gan B là lớn hơn nhiều so với bất kỳ tác dụng phụ nào có thể có từ vắc xin.
Trước đó vào tháng 1, WHO cũng gửi thông báo tới Bộ Y tế Việt Nam khẳng định văcxin 5 trong 1 Quivaxem an toàn sau khi có kết quả đánh giá độc lập.
Vắc xin Quinvaxem là an toàn
GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, khẳng định chưa có bằng chứng về chất lượng của vắc xin Quinvaxem liên quan đến các ca tử vong.
Tuy nhiên, GS-TS Hiển cũng cho rằng: “Không loại vắc-xin nào là an toàn 100%. Tiêm vắc xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên nhằm kích thích sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Những trường hợp phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng, đau… là các biểu hiện hay gặp phải sau khi tiêm vắc xin. Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị kịp thời và thích hợp. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp tử vong vì lý do khác như trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác của trẻ tại thời điểm tiêm chủng.
Đến nay, hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế địa phương và Bộ Y tế cho rằng các trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem đều không có bằng chứng liên quan đến dịch vụ tiêm chủng và chất lượng vắc xin.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vắc xin Quinvaxem tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng sử dụng dưới hình thức tiêm dịch vụ là tuyệt đối an toàn.
“Mặc dù vắc xin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào có những phản ứng phụ nhiều hơn vắc xin Pentaxim có chứa thành phần ho gà vô bào, tuy vậy tỷ lệ phản ứng nặng là tương đương nhưng tính sinh miễn dịch của vắc xin Quinvaxem tốt hơn”, ông Phu khẳng định.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mặc sử dụng vắc xin có thể gặp rủi ro song vì mục đích của tiêm chủng là bảo vệ toàn thể cộng đồng, nên nếu tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng nằm trong thống kê của WHO thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát. Nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn.
Ý kiến bạn đọc