(VnMedia) - Chiều 8/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả trong công tác truyền thông y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và ngành Y tế nói riêng. Thông qua thông tin, tuyên truyền, nhiều thành tựu ngành y tế đã đến gần hơn với người dân, như các dịch bệnh lớn trên thế giới không xâm nhập vào nước ta, các thành tựu khoa học công nghệ người dân đã biết đến, được tiếp cận từ tuyến dưới. Truyền thông đã phản ánh cho cán bộ lãnh đạo ngành biết được về những vấn đề như các chính sách y tế chưa đi vào cuộc sống, các mặt chưa làm được về an toàn thực phẩm, về thủ tục khám chữa bệnh...
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế, việc tiếp cận với các thông tin y tế còn khó khăn. Một trong những lý do đó là truyền thông về y tế khác với các ngành khác, trong khi các ngành khác tập trung tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đó, với ngành Y tế, còn phải truyền thông dự phòng, xử lý rủi ro, nguy cơ về sức khỏe và bệnh tật nhằm thay đổi để đạt hành vi tích cực...
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh thời gian qua, Bộ Y tế đã lắng nghe đa chiều, có chọn lọc thông tin từ nhiều phía, từ báo chính thống, đến các thông tin bên lề, các trang mạng xã hội..., nhằm đem tới cho người dân những thông tin có lợi nhất. “Khủng hoảng truyền thông ngành nào cũng có thể xảy ra nhưng quan trọng nhất là báo chí truyền thông và chủ thể phải hợp tác như thế nào để phải đặt quyền lợi của người dân, đất nước lên trên hết”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn kết luận Hội thảo |
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đề nghị các nhà báo làm trong lĩnh vực truyền thông y tế cần bảo đảm tính khách quan, chân thực của mọi vấn đề, tuy nhiên, cũng phải thể hiện đạo đức nghề nghiệp, tính nhân văn trong truyền thông, cần đẩy mạnh việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các hoạt động nâng cao năng lực truyền thông cơ sở, bảo đảm thông tin nhanh chóng, phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận, phối hợp với Bộ Y tế thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm sức khoẻ nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông đối với công tác y tế, theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác y tế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về y tế, cần nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chương trình, đề án tuyên truyền về y tế cho giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng Chiến lược truyền thông cụ thể, có tác động mạnh trong xã hội, như tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo đó, Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện, cơ sở điều dưỡng… tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí nhanh nhất, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn, nhất là khi có các sự kiện nổi cộm hoặc đặc biệt.
Ý kiến bạn đọc