(VnMedia) - Đó là thông tin được PGS. TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về tiêm chủng, sau sự việc hỗn loạn tại điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ ngày 25/12 vừa qua.
Ảnh minh họa |
PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay nước ta tiêm gần 30 loại vắc xin, trong đó tiêm chủng mở rộng là 12 loại, còn lại là tiêm dịch vụ. Được biết, chương trình tiêm chủng vắc xin mở rộng của nhà nước vẫn cung cấp đầy đủ vắc xin Quinvaxem miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim) và 6 trong 1 (Infanrix Hexa) bởi vắc xin này có chứa thành phần ho gà vô bào. Thực tế, thành phần của vắc xin Quinvaxem tương đương với vắc xin Pentaxim.
Mỗi năm nước ta có khoảng 4,5 triệu liều tiêm vắc xin Quinvaxem và có dưới 10% là tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1. Vắc xin dịch vụ nước ta chỉ tiêm trong vài năm gần đây, còn vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng từ năm 2010.
PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, việc người dân chen lấn, xô đẩy để đăng ký tiêm vắc xin 5 trong 1 cho con là do yếu kém ở khâu tổ chức, đăng ký. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã họp bàn và sắp tới sẽ đưa ra phương án đăng ký tiêm chủng qua website nhằm để các gia đình không phải bế con đi chầu chực đăng ký tiêm, hạn chế việc thuê người xếp hàng, cò kéo, buôn bán vắc xin.
Bộ Y tế cũng quán triệt các điểm tiêm chủng cần phải phục vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức đảm bảo khoa học và an toàn khi tiêm chủng. Nghiêm cấm lợi dụng việc khan hiếm vắc xin dịch vụ để đẩy giá hoặc tuồn vắc xin từ cơ sở nhà nước ra ngoài.
Về phía Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, để tránh tình trạng lộn xộn như sự việc xảy ra ngày 25/12 vừa qua tại điểm tiêm 182 Lương Thế Vinh, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội dự kiến đưa ra phương án sẽ cho người dân đăng ký tiêm chủng qua mạng internet và không phải xếp hàng.
Theo đó, chiều nay (26/12) sẽ chốt phương án và có thông báo cách thức công khai chi tiết trên trang web của Sở Y tế. Mục đích của việc này là nhằm hạn chế thấp nhất sự phiền hà cho người dân và trục lợi của một số đối tượng. Người dân khi đăng ký sẽ khai rõ họ tên, ngày sinh của trẻ, họ tên và chứng minh thư cha mẹ. Khi tới tiêm, người dân mang đầy đủ giấy tờ trên để đối chứng.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam luôn đạt trên 90% và có thể những người không tiêm chủng không mắc bệnh nhưng khi miễn dịch cộng đồng giảm xuống 60% thì dịch bệnh sẽ bùng phát. Khi dịch bệnh bùng phát thì những người chưa tiêm chủng sẽ chắc chắn mắc bệnh.
Ý kiến bạn đọc