(VnMedia) - Đây là con số được đưa ra tại hội thảo "Hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ tại Việt Nam" do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa |
Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Mặc dù hiện tại chưa có thống kê số liệu quốc gia chính thức về các loại hình bạo lực tình dục khác nhau tại Việt Nam, song số liệu từ một nghiên cứu nhỏ gần đây chỉ ra tình trạng báo động của bạo lực tình dục tại Việt Nam, trong khi đó thực trạng này vẫn chưa được báo cáo đầy đủ và nguyên nhân của các vụ việc vẫn thường bị hiểu nhầm.
Theo đó, 34% phụ nữ cho biết từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, 87% số nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà chức trách.
Bạo lực tình dục có thể xảy ra tại gia đình, nơi được cho là an toàn và bình yên, nhiều người còn cho rằng cưỡng bức tình dục chỉ do người lạ gây ra, khi cưỡng ép và hoặc để lại những tổn thương về thể xác cho các nạn nhân. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây về 462 vụ việc cưỡng bức và tấn công tình dục đã chỉ ra một thực tế hoàn toàn khác. Trong 86% vụ việc này kẻ tình nghi lại có mỗi quan hệ quen biết với nạn nhân và phần lớn các vụ việc xảy ra tại nơi riêng tư mà không hề có sự tổn thương về thể xác.
Nghiên cứu quốc gia năm 2010 về Bạo lực Gia đình cho thấy 87% phụ nữ bị bạo hành gia đình không tìm tới sự trợ giúp từ các cơ quan có thẩm quyền.
Nhằm hưởng ứng chiến dịch toàn cầu "16 ngày hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" năm 2015 do Liên Hợp Quốc phát động, vừa qua một số tỉnh, thành phố, đơn vị đã kêu gọi người dân tham gia ngăn chặn và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bắt đầu bằng cách thay đổi các quan niệm văn hóa mang tính phân biệt đối xử đang cho phép bạo lực xảy ra.
Việc này là cần thiết, song có lẽ dùng luật để bảo vệ quyền lợi của phái yếu có tác dụng phòng chống BLGĐ mạnh mẽ hơn cả. Nếu cơ quan lập pháp sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý, từ việc mở rộng đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý đến luật hóa trách nhiệm cung cấp thông tin về dịch vụ trợ giúp pháp lý sẵn có cho người bị hại và người tham gia khác, chắc chắn hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ đến được với các nạn nhân BLGĐ. Đây sẽ là giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam hơn việc kêu gọi, tìm kiếm sự giúp đỡ
Ý kiến bạn đọc