Vắc xin Hexaxim (6 trong 1) đang được lưu hành tại khoảng 80 quốc gia trên thế giới. Theo kế hoạch, nhà cung cấp vắc xin sẽ hoàn tất hồ sơ để đăng ký lưu hành vắc xin này tại Việt Nam trong năm 2016.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc xin thế hệ mới, hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đang thử nghiệm vắc xin Hexaxim (6 trong 1) của Pháp tại tỉnh Thái Bình.
Đây sẽ là nguồn vắc xin 6 trong 1 thứ hai được đăng ký lưu hành tại nước ta và sử dụng cho trẻ tiêm phòng dịch vụ và có thể là nguồn vắc xin thay thế trong tương lai.
Những năm gần đây, Việt Nam chỉ nhập vắc xin 6 trong 1 từ công ty GlaxoSmithKline Pte.Ltd (GSK). Năm 2015, GSK đã cung ứng khoảng 38.000 liều vắc xin Infanrix Hexa (6 trong 1) cho Việt Nam.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết trong năm 2016, GSK sẽ cung ứng cho thị trường Việt Nam khoảng 49.000 liều. Loại vắc xin được dùng để ngừa 6 bệnh nguy hiểm ở trẻ em, gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não do Hib.
Thời gian gần đây, các vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 nhập về Việt Nam luôn trong tình trạng khan hiếm. Ngành y tế đã khuyến cáo các gia đình không nên chờ đợi vắc xin dịch vụ mà bỏ qua "thời gian vàng" tiêm chủng của trẻ. Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin Quivaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng ngừa bệnh cho trẻ.
Cục Y tế dự phòng cho biết, việc tiêm vắc xin dịch vụ chủ yếu được thực hiện ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và cũng chỉ có rất ít trẻ em thực hiện theo hình thức này.
Năm 2014 có khoảng 1,6 triệu trẻ em được tiêm chủng vắc xin Quinvaxem với tỉ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Trong khi đó, số lượng trẻ em tiêm vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 thuộc tiêm dịch vụ chỉ khoảng 100.000 trẻ.
Số lượng 2 loại vắc xin trên được sử dụng qua hình thức tiêm chủng dịch vụ chỉ bằng khoảng 8% số lượng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ý kiến bạn đọc