(VnMedia) - Rất nhiều người có suy nghĩ bệnh đau dạ dày hầu như chỉ gặp ở người lớn, còn trẻ nhỏ thì hầu như không mắc phải. Nhưng thực tế, đây là quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ. Hiện nay có rất nhiều trẻ nhỏ gặp phải căn bệnh này.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang gia tăng và ngày càng trẻ hoá. Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi vào cấp cứu vì viêm loét dạ dày, tá tràng gây chảy máu đường tiêu hoá. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em mắc bệnh dạ dày ngày càng tăng chủ yếu là do ăn uống.
Các bậc phụ khuynh luôn ép con cái của họ ăn thật nhiều để nhanh lớn, nhưng nếu cho trẻ ăn quá no trẻ rất dễ ói, điều đó làm cho dạ dày không thể tiêu hóa kịp, cũng có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày ở trẻ. Nguyên nhân thứ hai là do trẻ học hành quá tải, lo lắng quá nhiều dẫn đến bị stress. Ngoài ra, loét dạ dày ở trẻ cũng có thể do thuốc, gây tổn thương ở dạ dày nhiều hơn.
Ảnh minh họa |
Dấu hiệu của bệnh dạ dày ở trẻ nhỏ
Đau bụng: Đây là triệu chứng hay gặp nhất ở trẻ. Đau bụng ở trẻ cũng thường không giống người lớn. Ở trẻ lớn, đau bụng vùng thượng vị thường giống như người lớn, đau lâm râm, âm ỉ, đôi khi có cảm giác bỏng rát ở thượng vị (trên rốn). Một số ít có cả cơn đau về đêm. Mỗi cơn đau có thể kéo dài vài chục phút đến hàng giờ. Mỗi đợt đau có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.
Nôn: Nôn và buồn nôn hoặc chán ăn là những triệu chứng rất ít gặp ở trẻ lớn, nhưng ở trẻ nhỏ có thể gặp nôn tái đi tái lại, kèm theo chậm lớn, mệt mỏi, xanh xao và có thể xuất huyết tiêu hóa.
Thiếu máu: Nguyên nhân thường do xuất huyết đường tiêu hóa kéo dài nhiều ngày hoặc xuất huyết ồ ạt do vết loét ăn mòn vào trong niêm mạc và dưới niêm mạc. Điều này làm tổn thương mạch máu dẫn tới thiếu máu cấp tính và nặng. Đây cũng có thể là những lý do đầu tiên khiến trẻ nhập viện.
Cách giúp trẻ giảm cơn đau dạ dày
- Chườm ấm: Đây là biện pháp hữu hiệu để có thể giảm cơn đau dạ dày ở trẻ có thể nhanh nhất, cha mẹ trẻ hãy sử dụng một chai nước ấm hoặc tắm nước ấm cho trẻ vì điều này sẽ khiến trẻ dễ chịu và thoải mái hơn.
- Xoa bóp cho bé: Để giúp trẻ dễ chịu hơn và giảm những cơn đau cho trẻ, bạn có thể xoa bóp nhẹ nhàng cho trẻ bằng cách sử dụng dầu ấm hoặc dầu ôliu. Bạn nên xoa bóp dạ dày nhẹ nhàng theo vòng tròn hướng chiều kim đồng hồ.
- Có thể cho trẻ uống nước gừng và mật ong để giảm cơn đau cho trẻ. Tuy nhiên gừng không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi.
- Cho bé uống nhiều nước: Ngay cả khi trẻ đang bị những cơn đau dạ dày hành hạ, bạn vẫn nên cung cấp thật nhiều nước cho trẻ bởi vì thực tế việc cơ thể mất chất lỏng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn với trẻ nhà bạn.
Biện pháp phòng tránh
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyên các phụ huynh không nên tạo áp lực cho trẻ trong việc ăn và học. Cụ thể là không được ép trẻ em và không cho trẻ học thêm quá nhiều. Nên dành nhiều thời gian hơn để trẻ được vui chơi ở ngoài trời hơn là chỉ học tập và vui chơi trong nhà.
Ý kiến bạn đọc