Nên hay không nên tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem?

07:36, 26/11/2015
|

(VnMedia) - Thời gian gần đây, có nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng vì một số trẻ tử vong sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem.

Cho con tiêm hay không tiêm? Quinvaxem và các loại vắcxin dịch vụ cái nào an toàn hơn? Quinvaxem thật sự có đáng sợ như mọi người vẫn đang nghĩ không?

Trước những thắc mắc trên, phó giáo sư Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc giải đáp với báo chí về các thắc mắc trên.

- Thời gian gần đây ghi nhận tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem gia tăng, Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

Đối với tình huống xảy ra đơn lẻ, đánh giá quan hệ nhân quả (nguyên nhân-hậu quả) ở cấp độ cá nhân là khó khăn và cần nhiều thời gian nhằm có các đánh giá sâu hơn về dịch tễ học hoặc xét nghiệm. Năm 1974, tại Anh, đã có tác giả báo cáo 22 trường hợp trẻ chậm phát triển và động kinh sau khi tiêm vắc xin ho gà toàn tế bào. Thông tin này đã dẫn đến trong nhiều năm sau đó, tỷ lệ tiêm chủng ho gà ở Anh giảm mạnh từ 81% xuống còn 31% và hậu quả là 100.000 trẻ mắc ho gà và 31 trẻ tử vong. Báo cáo này cũng làm giảm tỷ lệ tiêm chủng ho gà và tăng số ca tử vong do ho gà ở Nhật Bản, Thụy Điển và Wales.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đối chứng sau này mới chỉ ra rằng tỉ lệ chậm phát triển và động kinh ở trẻ sau khi tiêm vắc xin ho gà toàn tế bào tương tự với trẻ không tiêm vắc xin, và nhiều trường hợp trong các trẻ này thật ra mắc hội chứng Dravet (khiếm khuyết vận chuyển kênh Na). Một trường hợp khác về vấn đề mối liên quan giữa vắc xin MMR (Sởi-quai bị-rubella) và hội chứng tự kỷ do một tác giả đăng tải trên một tạp chí uy tín trên thế giới (Lancet) vào 1998. Bài báo đã nêu 12 ca bệnh nhiễm trùng đường ruột và tự kỷ có liên quan đến MMR. Lập tức, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin MMR giảm và dịch bùng phát tại Anh. Nhiều nghiên cứu đã phải tiến hành sau đó và đi đến kết luận là không có mối liên quan nào giữa hội chứng tự kỷ và MMR. Tác giả bài báo trên sau đó được kết tội là gian lận dữ liệu và có xung đột lợi ích khi đăng tải thông tin trên. Bài báo bị rút hoàn toàn khỏi tạp chí trên sau 12 năm đăng tải thông tin.

Trước bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nào, việc điều tra, đánh giá một cách khách quan, khoa học, toàn diện, phối hợp giữa Tổ chức y tế thế giới, nhà sản xuất, các quốc gia sử dụng vắc xin này để tìm hiểu nguyên nhân là vấn đề then chốt. Cần xem xét vấn đề, do vắc xin, do bệnh nền hay các yếu tố khác xảy ra khu trú trong địa bàn của một tỉnh, một khu vực, vấn đề của riêng Việt Nam hay của tất cả các nước trên thế giới hiện đang dùng vắc xin đó. Đối với vắc xin ho gà toàn tế bào (có trong thành phần dễ gây phản ứng của Quinvaxem) sử dụng trên 70 năm tại 138 nước và Quinvaxem cũng đã sử dụng gần 10 năm, với gần 450 triệu liều, đã được tiêm cho trẻ em tại 94 nước và được Tổ chức y tế thế giới, các tổ chức quốc tế nghiên cứu, thẩm định và đánh giá hiệu quả trong sử dụng.

Dữ liệu về hiệu quả của vắc xin toàn tế bào chỉ có sẵn ở lịch tiêm bắt đầu lúc 2 đến 3 tháng tuổi. Hiệu quả của vắc xin toàn tế bào ở lứa tuổi lớn hơn chưa được thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, tính sinh phản ứng của vắc xin ho gà toàn tế bào được xem là cao ở trẻ lớn, thanh thiếu niên và lứa tuổi trưởng thành. Do đó, việc tiêm vắc xin Quinvaxem đúng lịch (từ 2 tháng tuổi) và đủ liều (3 mũi trong vòng 6 tháng đầu) sẽ giúp giảm tỉ lệ các phản ứng cho trẻ và hiệu quả phòng bệnh.

- Có ý kiến băn khoăn rằng, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá các tai biến sau tiêm chủng do ngành y tế tiến hành có khách quan không, có “vừa đánh trống, vừa thổi còi”?

Việc điều tra các phản ứng sau tiêm chủng đòi hỏi có chuyên môn cao, nắm hệ thống tiêm chủng. Do đó, thành phần hội đồng đòi hỏi phải có chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này. Chính vì vậy các thành viên hội đồng bao gồm những chuyên gia về tiêm chủng, lâm sàng, dịch tễ học, và các ngành liên quan khác. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, trong Thông tư 21/2011/TT-BYT ngày 07/6/2011 của Bộ Y tế quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đã nêu rõ “Những người thực hiện công tác về tiêm chủng thì không tham gia vào thành phần của hội đồng”.

Năm 2015, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá và công nhận Cơ quan quản lý vắc xin quốc gia (NRA) đạt tiêu chuẩn. Việc đánh giá được tiến hành dựa trên các tiêu chí cụ thể bao gồm cả việc kiểm soát mâu thuẫn quyền lợi trong hoạt động của các hội đồng càng khẳng định hội đồng chuyên môn đánh giá tai biến sau tiêm chủng đã được thành lập và hoạt động theo đúng các qui định chung của quốc tế và đảm bảo tính khách quan.

- Việc vắc-xin dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” thiếu trầm trọng ở các điểm tiêm có phải do mình dự trù không đúng về nhu cầu tiêm để đặt hàng trước nhà sản xuất, nhập vắc-xin hay do trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ thời gian qua tăng cao vì các thông tin tai biến sau tiêm Quinvaxem?

Tháng 7/2014, WHO ra khuyến cáo về chiến lược sử dụng vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào và vô bào tại các nước trong đó phải tiêm ít nhất 3 liều bắt đầu từ 6 tuần tuổi, tỉ lệ bao phủ phải đạt > 90% và khuyến cáo các nước đang dùng ho gà vô bào cần đảm bảo nguồn lực để tiêm bổ sung các mũi tiêm nhắc cũng như có chiến lược bảo vệ các trẻ < 1 tuổi (tuổi chưa tiêm vắc xin ho gà) khi dịch ho gà bùng phát.

Đến tháng 8/2015, WHO tiếp tục khuyến cáo các nước đang sử dụng ho gà vô bào cần triển khai mũi tiêm nhắc nhằm ngăn dịch bùng phát theo chu kỳ do vấn đề sử dụng ho gà vô bào và sử dụng vắc xin cho phụ nữ mang thai ở tuần thứ 27 đến 36 ở các nước có tỷ lệ mắc và tử vong cao do ho gà. Điều này dẫn đến nhu cầu vắc xin gia tăng rất lớn. Ngoài ra, nhằm mục đích thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, các nước cần phải chuyển từ dùng bại liệt uống sang vắc xin bại liệt tiêm (có trong vắc xin phối hợp có chứa thành phần ho gà vô bào). Trên cơ sở đó, giai đoạn 2015-2016 có 100 nước (kể cả Việt Nam) đã cam kết sẽ đưa vắc xin bại liệt tiêm vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong khi vắc xin phối hợp có chứa thành phần ho gà toàn tế bào và bại liệt tiêm mới đang trong quá trình nghiên cứu thì nhu cầu đối với vắc xin có chứa thành phần ho gà vô bào và bại liệt tiêm sẽ tăng.

- Thưa ông, có nên tiếp tục sử dụng Quinvaxem hay thay thế bằng vắc xin thế hệ mới hơn?

Vắc xin Quinvaxem hay các vắc xin khác như 5 trong 1, 6 trong 1 đang sử dụng tại Việt Nam hiện nay, khác nhau cơ bản là thành phần vắc xin ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) hay vô bào (vắc xin dịch vụ).  Việc chuyển đổi từ sử dụng ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào đã được nhiều nước triển khai và các hạn chế của vắc xin này cũng đã được ghi nhận, tại các nước có nền kinh tế phát triển.

Tại Mỹ, trước khi có vắc xin, bệnh ho gà hàng năm gây bệnh cho hơn 200.000 người và làm tử vong 10.000 người. Sau khi đưa vắc xin ho gà toàn tế bào vào sử dụng, trong năm 1976, tỉ lệ bệnh ho gà giảm đến 95%. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang dùng ho gà vô bào vào năm 1990, dịch ho gà bắt đầu bùng phát vào các năm sau đó, cụ thể dịch ho gà có xu hướng xảy ra theo chu kỳ và nặng nhất vào những năm 2005, 2010 và 2014. Dịch có chu kỳ khoảng 5 năm và nguyên nhân do sự giảm miễn dịch bảo vệ của ho gà vô bào và sự tích lũy các ca này theo từng năm, dịch năm 2014 tại Mỹ được cho là lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Ngay cả khi đã bổ sung lịch tiêm nhắc lại nhiều mũi (ngoài 3 liều cơ bản, tiêm nhắc lại cho trẻ em 4-6 tuổi, 11-12 tuổi và cả phụ nữ mang thai ở tuần thứ 27 đến 36) nhưng hiện tại, hàng năm, tại Mỹ vẫn ghi nhận từ 10.000 -40.000 ca mắc và 10-20 ca tử vong vì bệnh này.

Một báo cáo của WHO năm 2015 về tỉ lệ bệnh ho gà tại 19 nước (4 nước thu nhập trung bình khá và 15 nước thu nhập cao) cho thấy dù không có sự bùng phát dịch ho gà trên toàn cầu nhưng tại 5/19 nước (Úc, Chilê, Bồ đào nha, Anh, Mỹ), dịch ho gà thật sự đã gia tăng. Trong số 5 nước này, có 4 nước trước đó đã chuyển từ ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào (chỉ có Chilê dùng ho gà toàn tế bào và dịch ho gà xảy ra tại Chilê được cho là do tỉ lệ bao phủ vắc xin thấp). Riêng tại 4 nước (Úc, Bồ đào nha, Anh, Mỹ), nhất là tại Úc, Anh, Mỹ, các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính do giảm hiệu quả bảo vệ khi tiêm vaccine ho gà vô bào dẫn đến tích lũy số ca nhạy cảm và sau đó bùng dịch theo chu kỳ, cho dù tỉ lệ bao phủ vắc xin tại các nước này đều khá cao, hơn 85%. Sự bùng phát dịch ho gà chưa thấy xuất hiện tại các nước dùng ho gà toàn tế bào và có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Vấn đề chuyển đổi từ ho gà toàn tế bào sang vô bào cần cân nhắc đến khả năng kiểm soát dịch xảy ra, đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin cho các liều tiêm nhắc cũng như chiến lược tiêm cho các bà mẹ mang thai nhằm bảo vệ cho các trẻ ngay sau khi sinh, hạn chế tử vong trong trường hợp dịch ho gà xảy ra do việc dùng vắc xin ho gà vô bào.

Khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (tháng 8/2015) là đối với các nước đang dùng vắc xin ho gà toàn tế bào với lịch tiêm chủng quốc gia không quá 4 mũi, thì cần tiếp tục duy trì, không nên chuyển đổi sang ho gà vô bào trừ trường hợp cần tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin. Tại Việt Nam, lịch tiêm vắc xin toàn tế bào hiện nay là 3 mũi cơ bản (Quinvaxem) vào tháng thứ 2, 3, 4 và 1 mũi (DPT) vào lúc 18 tháng tuổi và với lịch tiêm này, tỷ lệ tiêm chủng cao chúng ta đã kiểm soát tốt bệnh ho gà hơn 30 năm qua bằng các loại vắc xin ho gà toàn tế bào (vắc xin ho gà toàn tế bào trước đây do Việt nam sản xuất sau đó chuyển sang Quinvaxem do hàn Quốc sản xuất). Nếu thay bằng vắc xin có thành phần ho gà vô bào cần lường trước khả năng bùng phát dịch, cũng như nguồn lực để tiêm chủng, cũng như tính chấp nhận của cộng đồng đối với đối tượng tiêm chủng 4-6 tuổi, 11-12 tuổi và phụ nữ mang thai. 

Ngoài ra, trong chiến lược đến 2020 và 2025, xu thế trên thế giới sẽ sử dụng vắc xin bại liệt tiêm và kết hợp vắc xin thành phần ho gà vào vắc xin 6 trong 1 (thành phần ho gà toàn tế bào hoặc vô bào). Do đó việc thay đổi còn phụ thuộc vào sự tiến bộ của khoa học, tiện lợi trong lịch tiêm chủng và đặc biệt là miễn dịch cộng đồng.

- Vậy làm thế nào để tăng tỉ lệ tiêm chủng?

Trong thời kỳ trước khi có chủng ngừa, các bệnh có thể ngăn ngừa được bằng vắc xin như sởi và ho gà xuất hiện rất phổ biến, vì vậy lợi ích và nguy cơ khi so sánh giữa bệnh và tiêm chủng khác nhau rất rõ rệt. Khi chương trình tiêm chủng đạt thành công trong việc giảm tỉ lệ các bệnh có thể ngăn ngừa bằng vắc xin, cán bộ tiêm phòng và các bậc cha mẹ không còn nhìn thấy hoặc có rất ít kinh nghiệm trãi qua về các bệnh này. Trong việc phân tích lợi ích và nguy cơ, họ thường dựa vào những mô tả về các bệnh này trong sách báo, tạp chí. Ngược lại, tình trạng khó chịu, đau, lo lắng lại thường với gắn với việc tiêm chủng. Hơn nữa, khi tra cứu thông tin về vắc xin trên Internet, phụ huynh thường bắt gặp các trang web khuyến khích việc không tiêm vắc xin và nhấn mạnh sự nguy hiểm của tiêm vắc xin. Do đó để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao:

Cán bộ tiêm chủng cần cập nhật các thông tin khoa học chính xác, thái độ hợp tác và thông tin đầy đủ, dùng các từ dễ hiểu và tránh các ngôn ngữ gây lo lắng, gây mất lòng tin hay ngược lại tỏ thái độ giả tạo, gây mất niềm tin.

Cán bộ tiêm chủng, phụ huynh cùng thực hiện giải pháp giúp giảm đau cho trẻ khi tiêm chủng như Tiêm theo thứ tự mức độ đau tăng dần; Vắc xin uống cho dùng trước (vắc xin tiêu chảy trước, kế đến là bại liệt uống), vắc xin tiêm dùng sau; Cho trẻ bú trước hoặc và trong khi tiêm.

Hoạt động của hệ thống giám sát các phản ứng sau tiêm cần được duy trì và tăng cường, đảm bảo điều tra đánh giá chính xác, khách quan và kịp thời các trường hợp phản ứng nặng xảy ra sau tiêm và cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch cho cộng đồng. Có như vậy mới tạo được niềm tin, thuyết phục được cộng đồng, từ đó có ý thức tự nguyện cho trẻ đi tiêm chủng.

- Xin cảm ơn ông!


Ý kiến bạn đọc