Lý giải việc điều chỉnh giá viện phí lùi sang năm 2016

11:38, 26/11/2015
|

(VnMedia) - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc điều chỉnh giá hơn 1.800 dịch vụ y tế sẽ được lùi lại vào thời điểm thích hợp của năm 2016 thay vì cuối năm 2015 như dự kiến ban đầu.

Dự kiến việc tăng giá viện phí sẽ áp dụng cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế trước, đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện sau.

Theo lộ trình, trong năm 2016, giá viện phí sẽ tăng thêm từ 2-4 lần sau khi tính đủ các chi phí trực tiếp, cộng thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và kết cấu tiền lương của nhân viên y tế. Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, với lộ trình điều chỉnh viện phí như hiện nay, khi đó hàng chục triệu người nghèo, đối tượng chính sách có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được lợi khi khám chữa bệnh vì được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm.

Vì vậy, người dân phải tăng cường tham gia BHYT. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định, việc tham gia BHYT là bắt buộc và theo hộ gia đình. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT và đơn giản hóa nhiều thủ tục trong việc đăng ký tham gia BHYT.

Chia sẻ về lý do lùi thời điểm tăng giá viện phí, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, việc lùi thời điểm tăng giá viện phí nhằm giúp Bộ Y tế và các cơ quan liên quan có sự chuẩn bị tốt hơn; có thêm thời gian tập huấn cho các cơ sở y tế về chính sách viện phí mới; đồng thời tuyên truyền cho người dân tham gia bảo hiểm y tế trước khi giá viện phí được áp dụng đồng loạt.

Hiện cả nước có trên 10 tỉnh có số người tham gia bảo hiểm y tế dưới 60% số dân và người chưa có bảo hiểm sẽ gặp khó khăn khi áp dụng viện phí mới với nhóm trả viện phí trực tiếp. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân tăng cường tham gia bảo hiểm y tế.

Lùi thời hạn tăng viện phí sang năm 2016
Lùi thời hạn tăng viện phí sang năm 2016

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường thanh tra, giám sát chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện song song với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Các bệnh viện cần công khai, minh bạch tất cả các bảng giá dịch vụ y tế của đơn vị để mọi người dân đều biết…

Trước đó, Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện dự thảo Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc để áp dụng từ cuối năm 2015. Giá dịch vụ này bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật). Từ 1/3/2016, thực hiện mức giá theo đúng lộ trình tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, bao gồm cả tiền lương.Trong năm 2016, xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế.

Trong lần điều chỉnh này, khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng giá từ 20% đến 30%. Khi điều chỉnh giá, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ bảo hiểm y tế là những người hưởng lợi vì họ được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100%.

Đối với người thuộc diện cận nghèo, cũng đã được ngân sách hỗ trợ 70% chi phí để mua thẻ bảo hiểm y tế, nhiều địa phương cũng đã hỗ trợ thêm 30% chi phí còn lại, nên khi đi khám chữa bệnh, những người này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5%, cho nên mức độ tác động không lớn. Các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không lớn.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, tại sao ngành y tế không tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trước, sau đó mới tính đến việc điều chỉnh viện phí, ông Nguyễn Nam Liên lý giải, toàn bộ hoạt động vận hành của BV đều phải từ người bệnh và BHYT chi trả. Nếu đặt vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ trước thì rất khó mà phải đi song song từng bước một, vừa điều chỉnh giá vừa nâng cao chất lượng. Trên cơ sở nâng cao chất lượng thì các cơ sở sẽ thu hút được người bệnh đến và các cơ sở có nguồn lực để mà nâng cao chất lượng y tế.

Nói về chất lượng dịch vụ y tế, ông Liên thẳng thắn thừa nhận có một số nơi chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Y tế có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng như: chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, luân chuyển cán bộ... Nhiều bệnh viện tuyến huyện trước kia không mổ đẻ được bây giờ đã mổ đẻ được, nhiều bệnh viện có thể thực hiện được kỹ thuật tim mạch. Chất lượng y tế các tuyến đang từng bước được nâng lên. Còn đối với bệnh viện tuyến trên có điều kiện chữa trị ca bệnh khó và có thời gian để nghiên cứu, áp dụng những kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị.


Ý kiến bạn đọc