(VnMedia) - Cứ bị bệnh là ra hiệu thuốc mua chứ không cần sự kê đơn của các bác sĩ, nếu cứ để tình trạng này kéo dài, đến khi bị bệnh nặng sẽ hết thuốc chữa. Đó là chia sẻ của ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 16/11.
Ảnh minh họa |
Kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.
Đây là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.
Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
"Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa" là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam.
Nhằm kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội đối với việc phòng chống kháng thuốc, từ ngày 16-22/11/2015, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tổ chức Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc. Tuần lễ truyền thông được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý và quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp… về phòng, chống kháng thuốc; Nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường; đồng thời tạo động lực thúc đẩy cộng đồng và cán bộ y tế quan tâm, chia sẻ và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người; đặc biệt là tuyên truyền, vận động lấy được một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
Công tác phòng, chống kháng thuốc cần có sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân và toàn thể cộng đồng. Mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ; Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo đúng hướng dẫn; Cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.
5 điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh
1. Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra như cảm, cúm: Kháng sinh không có hiệu quả đối với tất cả các lây nhiễm. Kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với vi khuẩn chứ không phải đối với các loại lây nhiễm như virus, nguyên nhân của cảm, cúm.
Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ không giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và có thể gây ra những tác dụng phụ. Khi người bệnh cảm thấy khá hơn sau khi bị cảm, cúm, thông thường là do hệ thống miễn dịch của cơ thể đang thực hiện các việc để điều trị nhiễm khuẩn.
2. Hãy giữ kháng sinh cho riêng mình: Không dùng chung kháng sinh với người khác. Người khác có thể có những nhiễm khuẩn khác nhau và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể dẫn đến kháng thuốc.
3. Không dùng kháng sinh còn lại cho lần sử dụng sau.
4. Dùng kháng sinh đúng thời điểm: Nếu bạn được kê dùng kháng sinh, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ lời khuyên của bác sỹ là dùng kháng sinh như thế nào, thời điểm nào, dùng trong bao lâu.
5. Hãy thực hiện các bước đơn giản để phòng chống nhiễm khuẩn: che miệng khi ho, hắt hơi. Rửa tay xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị hoặc trước khi ăn hoặc sau khi lau mũi.
Ý kiến bạn đọc