(VnMedia) - Thống kê của Bộ Y tế cho biết, sau 6 năm triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem) đã có khoảng 24,9 triệu liều vắc xin được tiêm cho trẻ vào lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin này hàng năm đạt trên 90%.
Ảnh minh họa |
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, năm 2010 Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đã hỗ trợ Việt Nam loại vắc xin Quinvaxem qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) để sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Quinvaxem là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não/viêm phổi nặng do vi khuẩn Hib. Sau khi tiêm 3 liều vắc xin tỷ lệ sinh kháng thể phòng bệnh bạch hầu, uốn ván đạt 100%, bệnh do Hib gây ra là 98%, bệnh ho gà 97%, bệnh viêm gan 94%.
Bộ Y tế cũng cho biết, không có một loại vắc xin nào là an toàn 100%. Mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi sau 24 giờ. Song cũng có một số ít có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc, tím tái, thậm chí là tử vong. Việc tử vong do tiêm chủng có thể gặp ở tất cả các loại vắc xin, không cứ gì Quinvaxem. Và cũng không phải tất cả các trường hợp tử vong sau tiêm chủng đều là do nguyên nhân phản ứng quá mẫn đối với vắc xin.
Bộ Y tế cũng khẳng định, mặc dù sử dụng vắc xin có rủi ro nhất định nhưng vì mục đích bảo vệ cộng đồng, trong trường hợp tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng vẫn còn nằm trong giới hạn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát.
Ý kiến bạn đọc