Cẩn thận khi dùng corticosteroid dạng hít kéo dài cho trẻ

10:42, 25/11/2015
|

(VnMedia) -  Các thuốc corticoid dạng hít có vai trò quan trọng trong điều trị và dự phòng một số bệnh đường hô hấp như trong hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các thuốc dạng này dùng thuận tiện và cải thiện các tác dụng phụ của corticoid dùng đường tiêm và uống.

Tuy nhiên, corticoid dạng hít là dạng thuốc nên vẫn có các tác dụng phụ nhất định và luôn phải tuân thủ chặt chẽ theo các hướng dẫn khi dùng thuốc.

Ths. BS Thái Thanh Thư, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nguyên tắc lựa chọn các bước điều trị tiếp theo sau 3 tháng áp dụng phác đồ điều trị hen phế quản theo lứa tuổi:

Lùi một bước nếu trong vòng 3 tháng hen được kiểm soát tốt (ví dụ đang ở bước 3 thì lùi về bước 2).

Tiến một bước  nếu tình trạng bệnh không được cải thiện hoặc nặng lên ( ví dụ tiến từ bước 3 lên bước 4).

Trước khi tiến một bước cần kiểm tra xem người bệnh đã tuân thủ phác độ điều trị và áp dụng đúng kỹ thuật điều trị chưa. Ngoài ra cần đánh giá việc kiểm soát môi trường của bệnh nhi. 

Corticosteroid dạng hít dùng kéo dài, đặc biệt là với liều thấp, nói chung là an toàn. Khi dùng với liều thấp và vừa, các thuốc này có thể ảnh hưởng nhẹ đến đường tăng trưởng, làm giảm chiều cao của trẻ 1 cm trong năm đầu điều trị. Tuy nhiên, sau đó chiều cao không bị ảnh hưởng nữa. Trẻ điều trị bằng thuốc corticosteroid dạng hít cần được theo dõi chiều cao đều đặn.

Nguy cơ tiềm tàng khi dùng corticosteroid dạng hít trong điều trị hen phế quản cân bằng với lợi ích của việc sử dụng chúng.

Những lợi ích của việc điều trị bằng corticosteroid dạng hít

Trong khi corticosteroid toàn thân (dạng uống hoặc tiêm) đi vào máu và tác động lên toàn bộ cơ thể thì corticosteroid dạng hít  tác động trực tiếp lên phổi (khoảng 10-50%), phần còn lại (80-50%) được nuốt vào dạ dày và bất họat ở gan, gây ra ít tác dụng phụ hơn.

Phép so sánh nhỏ sau đây cho thấy, tổng liều corticosteroid dạng hít dùng cho điều trị dự phòng trong 1 năm ít hơn nhiều (tối đa là bằng 1/4) so với tổng liều thuốc điều trị một đợt hen cấp tính (10 ngày). Đó là chưa kể một năm trẻ có thể bị nhiều đợt hen cấp.

Nhóm corticosteroid được dùng phổ biến là: Floven, Pulmicort và Fluticazone.

Tác dụng phụ hay gặp nhất khi dùng corticosteroid dạng hít kéo dài

Nấm miệng hoặc tưa miệng: Để khắc phục tình trạng này, nên cho trẻ dùng thuốc qua buồng đệm và xúc miệng ngay sau khi hút thuốc rồi nhổ ra ngoài.

Khản giọng: Dùng thuốc qua buồng đệm giúp giảm tác dụng phụ này. Nếu trẻ bị khản giọng thì nên hạ liều thuốc tạm thời.

Ho hoặc khò khè xảy ra sau khi hít thuốc do phản ứng của phế quản: có thể phòng ngừa bằng hít thuốc chậm qua buồng đệm. Nếu triệu chứng vẫn dai dẳng và nặng nề thì nên ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ.

Dùng buồng đệm giúp giảm các tác dụng phụ của thuốc.

Chú ý: Khi dùng thuốc nên ăn chế độ giàu kali (nhiều cam, chuối, nho) và bổ sung canxi hàng ngày.

Tăng cường dùng thực phẩm giàu kali.

Kết hợp corticosteroid với các nhóm thuốc khác

Thuốc nhóm chủ vận beta2 tác dụng kéo dài: sử dụng trong trường hợp không kiểm soát được hen phế quản kể cả khi dùng corticosteroid dạng hít liều trung bình.

Thuốc nhóm kháng Leucotriene: sử dụng khi không kiểm soát được hen phế quản kể cả khi đã dùng corticosteroid dạng hít liều cao.

Nói chung, để điều trị hen thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, bệnh nhi và gia đình.


Ý kiến bạn đọc