(VnMedia) - Kết quả các cuộc điều tra dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân ở trẻ em và học sinh giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng rất nhanh.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo nhằm xây dựng cơ chế phối hợp và các can thiệp khuyến khích chế độ ăn và hoạt động thể lực phòng chống béo phì theo cách tiếp cận đa ngành giai đoạn 2016 - 2020 do Viện dinh dưỡng tổ chức mới đây.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo điều tra, chỉ trong vòng 7 năm (từ 2002-2009), tỉ lệ thừa cân béo phì của học sinh Tiểu học đã tăng gấp 3-4 lần.
Tại Hà Nội, nghiên cứu năm 2011 trên hơn 3.000 học sinh Tiểu học nội thành cho thấy gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng đã nghiêng hẳn về phía thừa dinh dưỡng với 23,4% học sinh bị thừa cân và 17,3% học sinh bị béo phì, so với 2,4% học sinh bị thấp còi và 2% học sinh bị gầy còm.
Ảnh minh họa |
Còn theo kết quả điều tra năm 2013 trên 2375 trẻ ở độ tuổi từ 4-9 tại một số trường mẫu giáo và trường tiểu học thuộc Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về tình trạng thừa cân, béo phì cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ là 39,9% (tỷ lệ thừa cân là 21,9% và tỷ lệ béo phì là 18,0%), tỷ lệ thừa cân béo phì tăng dần theo lứa tuổi và học sinh nam có tỷ lệ cao hơn học sinh nữ.
Nghiên cứu cũng đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu, chế độ ăn và hoạt động thể lực trên 150 trẻ thừa cân, béo phì, cho thấy có hiện tượng tăng cholesterol; tăng triglyceride; tăng LDL-cholesterol và giảm HDL-cholesterol.
Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ xơ vữa và thuyên tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, thừa cân béo phì gây các biến chứng thuộc về chuyển hóa, nội tiết như kết quả nghiên cứu nêu trên.
Thừa cân béo phì xảy ra cùng với hội chứng chuyển hóa, là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường týp 2, đi kèm các rối loạn lipid máu như tăng triglycerid máu, tăng LDL và giảm HDL, do đó làm tăng nguy cơ tim mạch. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống, khả năng học tập và lao động của các em.
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích chế độ ăn hợp lý, lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực là then chốt để phòng chống thừa cân - béo phì. Phòng chống thừa cân - béo phì ở trẻ em không chỉ riêng là trách nhiệm của ngành y tế mà cần có sự phối hợp đa ngành, sự tham gia tích cực, chủ động của các ngành giáo dục, nông nghiệp, công thương, tài chính, xây dựng, thể dục thể thao… và các tổ chức đoàn thể xã hội.
Minh Hải
Ý kiến bạn đọc