(VnMedia) - Từ ngày 15/11 tới đây, bảng giá dịch vụ y tế mới chính thức được áp dụng trên cả nước, trong đó 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá từ 2-7 lần.
Viện phí sẽ tăng từ 2-7 lần
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc điều chỉnh giá viện phí được thực hiện gồm 2 lộ trình. Cụ thể giai đoạn từ 15/11 năm nay đến hết tháng 2/2016 mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và điều chỉnh giá lần này chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT (đối tượng chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn được áp giá cũ). Còn giai đoạn hai được thực hiện từ 1/3/2016 mức giá gồm cả tiền lương và sẽ được tính chung cho mọi đối tượng khi đi khám chữa bệnh.
Theo đó, lần này sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế được tăng giá, với mức tăng từ 2 đến 7 lần. Cụ thể như tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng 1 là 20.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 40.000 đồng/lượt.
Tại các bệnh viện hạng 3, hạng 4, tiền khám 7.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 30.000 đồng/lượt. Tiền giường nội khoa loại 1, bệnh viện hạng 1 hiện là 80.000 đồng/giường/ngày, giá mới sẽ là 215.000 đồng/giường/ngày, bệnh viện hạng 4 tăng từ 55.000 đồng/giường/ngày lên 165.000 đồng/giường/ngày. Giường hồi sức ở bệnh viện đặc biệt tăng từ 335.000 đồng/giường/ngày lên 677.000 đồng/giường/ngày…Đối với giá dịch vụ rửa dạ dày tăng từ 30.000 đồng/lần lên 106.000 đồng/lần. Dịch vụ lọc màng bụng cho người suy thận tăng từ 300.000 đồng/lần lên 379.000 đồng/lần…
Đặc biệt, lần này, Bộ Y tế cho rằng theo quy định trước đây, giá một số phẫu thuật, ví như mổ cắt dạ dày chẳng hạn, ở tuyến huyện là 500.000 đồng/lần, ở tuyến tỉnh lại là 800.000 đồng/lần, tuyến Trung ương 1,2 triệu đồng/lần, ở bệnh viện đặc biệt là 1,4 triệu đồng/lần, là không công bằng cho cả người bệnh lẫn bệnh viện, vì đều phải tiêu hao vật tư y tế và nhân lực như nhau, vì vậy tới đây sẽ áp dụng giá đồng hạng giữa các bệnh viện…...
Ông Nam Liên cho biết, theo thông tư quy định giá viện phí mới, giá khám bệnh sẽ được quy định theo hạng bệnh viện. Giá ngày, giường cũng phân theo hạng bệnh viện và chuyên khoa. Do tiêu hao máy móc, vật tư lớn hơn nên giá giường bệnh các chuyên khoa cấp cứu, hồi sức cao hơn giá giường bệnh khác. Còn giá dịch vụ kỹ thuật sẽ áp dụng chung cho tất cả bệnh viện trên toàn quốc, không cần phân hạng bệnh viện.
Lý giải điều này, ông Nam Liên cho biết, các lần tăng viện phí trước đây, Bộ Y tế chỉ xây dựng khung giá, sau đó các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để đề ra mức giá hợp lý mà không vượt quá mức trần của khung giá.
Theo ông Nam Liên, giá phẫu thuật, thủ thuật thì đồng hạng từ tuyến huyện đến trung ương vì đối với mỗi ca phẫu thuật, thủ thuật, các chi phí tiêu hao từ vật tư y tế đến con người là như nhau nhưng xưa nay giá ở bệnh viện huyện lại thấp hơn từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng so với trung ương.
"Giá quá thấp khiến cho nhiều bệnh viện tuyến dưới không dám phẫu thuật vì thu không đủ chi" - ông Liên nói. Đồng thời việc áp "đồng giá" phẫu thuật, thủ thuật cũng giúp các bệnh viện, các tỉnh đỡ mất công tính toán giá viện phí mới, giảm được rất nhiều chi phí khi xây dựng giá.
Để đảm bảo quyền lợi cho cho người dân chưa có thẻ BHYT, Bộ Y tế tính toán phải đến hết quý III/2016 mới áp dụng giá mới cho người chưa có BHYT. Đến cuối năm 2016, giá viện phí lại tiếp tục tăng, gánh thêm chi phí tiền lương của nhân viên y tế.
Ảnh minh họa |
Bệnh viện phải lo giữ bệnh nhân
Ông Nam Liên cho biết, với cơ chế tài chính hiện nay, bệnh viện dù làm tốt hay chưa tốt thì ngân sách nhà nước vẫn cấp kinh phí trả lương cho bác sĩ và chi phí cho bệnh nhân tính theo đầu giường bệnh. Do đó xảy ra tình trạng bệnh nhân đi khám bệnh phải "mang ơn" bác sĩ hoặc không ít nhân viên y tế có thái độ thờ ơ với người bệnh. Còn khi giá viện phí tính theo giá thị trường, Nhà nước ngừng cấp kinh phí, bệnh viện không thu hút được bệnh nhân sẽ không có tiền chi trả lương cho cán bộ, bác sĩ...
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho hay, tăng viện phí chính là cách tốt nhất để các bệnh viện tự "chuyển mình", nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thay đổi thái độ phục vụ đối với bệnh nhân.
“Mọi thứ đều phải lượng hóa thành chi phí. Kết cấu giá dịch vụ y tế phải có cả chi phí cho nụ cười của nhân viên y tế. Họ cũng phải được bảo đảm về đời sống, đánh giá đúng công sức lao động để yên tâm phục vụ người bệnh” - ông Sơn nhìn nhận.
Theo ông Sơn, tăng viện phí theo giá thị trường sẽ thay đổi quan niệm “ban ơn” của nhân viên y tế cũng như thái độ “nhờ vả” của người bệnh.
Mỗi năm, nhà nước dành khoảng 16.000 tỉ đồng để trả lương cho nhân viên y tế. Còn khi đã đưa vào giá để BHYT chi trả thì khoản tiền này sẽ dành để mua thẻ BHYT cho người dân, hỗ trợ các ca bệnh nặng, chi phí lớn… Nếu tính thêm chi phí trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật thì trong tháng 11 và 12/2015, chi phí BHYT dự kiến tăng khoảng 30% so với các tháng trước. Còn đưa cả chi phí lương vào viện phí, chi phí BHYT trong năm 2016 sẽ tăng 50% - 70% so với năm 2015.
Phạm Minh
Ý kiến bạn đọc