Tăng huyết áp: "Sát thủ" gây tử vong cho cả mẹ và con

13:41, 12/10/2015
|

(VnMedia) - Tăng huyết áp (THA) khi mang thai là một bệnh lý nguy hiểm và cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng, thậm chí tử vong cho cả mẹ và thai nhi.

Theo các chuyên gia, tăng huyết áp là 1 trong 5 tai biến sản khoa. Tăng huyết áp là nguyên nhân tử vong mẹ đứng thứ hai sau băng huyết sau sinh. Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai cần được phát hiện sớm và can thiệp phù hợp để giảm tỉ lệ tử vong, tỉ lệ bệnh tật cho cả mẹ và thai nhi.

Có khoảng 15% phụ nữ mang thai bị THA và 25% trường hợp đẻ non do THA. Trong đó, tiền sản giật và sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất.

THA thai kỳ có thể được chẩn đoán dựa vào trị số huyết áp đo được hoặc dựa vào sự tăng huyết áp tương đối so với trước khi mang thai. Khi huyết áp trên 140/90mmHg thì được gọi là THA. Nếu huyết áp tâm thu tăng trên 30mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 15mmHg so với mức huyết áp đo được ở thời điểm trước khi mang thai thì cũng được gọi là THA thai kỳ.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở thai phụ

Một số nguyên nhân gây ra chứng THA ở thai phụ:

- Tuổi của sản phụ quá cao (trên 35 tuổi).
- Gia đình có người bị THA.
- Thai phụ quá cân, trước khi mang thai đã bị bệnh THA, viêm thận mạn tính, đái tháo đường.
- Chế độ dinh dưỡng lúc mang thai chưa tốt, kèm theo đó là chứng thiếu máu trầm trọng. Mang thai đ đôi, thai ba.
- Thai phụ có nước ối quá nhiều.
- Thời tiết thay đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường...

Tăng huyết áp khi mang thai gây nhiều biến chứng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Tăng huyết áp khi mang thai gây nhiều biến chứng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu tăng huyết áp ở thai phụ

Phù: Có đặc điểm phù mềm, ấn lõm, trắng. Cần phải cân trọng lượng thai phụ khi thấy tăng trên 500g/1tuần hoặc 2250 g/tháng.

Protein niệu: Khi Protein niệu được xem là (+) khi lượng Protein trong nước tiểu ³ 0,3 g/ lit /24giờ hoặc Protein niệu  ³ 0,5 g/lit ở mẫu thử nước tiểu ngẫu nhiên. Lượng Protein niệu càng cao thì phù càng nhiều và bệnh càng nặng.

Các dấu hiệu khác:

- Dấu hiệu thần kinh: Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.
- Đau vùng thượng vị: Trong trường hợp nặng, đó là do bao gan bị căng.
- Thiếu máu.
- Da xanh do thiếu máu.

Biến chứng có thể xảy ra đối với sản phụ bị tăng huyết áp

Đối với mẹ:

- Tai biến mạch máu não
- Phù phổi cấp
- Suy thận
- Suy gan
- Nhau bong non
- Tử vong

Đối với con:

- Thai chết trong tử cung
- Sinh non
- Thai kém phát triển trong tử cung

Do vậy, trước khi chuẩn bị làm mẹ, các bạn nữ bị rối loạn tăng huyết áp nên tìm hiểu kĩ các kiến thức về y tế, chế độ dinh dưỡng phù hợp với điều kiện sức khỏe và bệnh lý của bản thân. Bên cạnh đó, các bạn cần thường xuyên thăm khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện có uy tín để được theo dõi và tư vấn. Nếu xuất hiện những triệu chứng khác thường hoặc bệnh lý chuyển biến xấu thì phải nhanh chóng nhập viện để có chế độ điều trị tích cực.

Những thực phẩm thai phụ nên ăn

- Hạn chế ăn muối, ăn 6g/ngày. Nếu phù và suy tim thì giảm muối ăn từ 2-4g/ngày.
- Nên ăn thực phẩm chức đạm có nguồn gốc từ thực vật: đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương, thịt nạc cá và trứng...
- Nên ăn thực phẩm chứa chất bột đường: hạt ngũ cốc, khoai của và bột mì...
- Nên ăn thực phẩm chứa chất béo có nguồn gốc từ thực vật: dầu phộng, dầu mè, dầu olive, dầu nành.

Những thực phẩm nên giảm ăn

- Giảm ăn các thực phẩm chứa nhiều đường: bánh kẹo, trái cây ngọt, kem...
- Giảm ăn mặn và thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: khô, thịt nguội, dưa muối chua
- Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo có nguồn gốc từ động vật, nhiều cholesterol như: thức ăn nhanh, phủ tạng (gan, tim, thận), thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ
-Giảm uống rượu, nước ngọt, cà phê, chè đặc

Bệnh THA ảnh hưởng lớn đến phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh sau này. Vì thế, việc chẩn đoán sớm và phòng ngừa bệnh có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ mang thai, thai nhi, góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh. Do đó, thai phụ cần đi khám thai đều đặn, theo dõi chặt chẽ mọi biến đổi của cơ thể, trong đó có vấn đề huyết áp. Nếu có những biểu hiện THA cần đi khám sản khoa và tim mạch để được điều trị kịp thời.

Phạm Minh


Ý kiến bạn đọc