(VnMedia) - Ngày 9/10, Bộ Y tế cho biết cuối tháng 11 sẽ tăng giá 1800 dịch vụ y tế. Đây là nội dung nằm trong dự thảo Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc do bộ Y tế-Tài chính-Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp soạn thảo.
Theo đó, khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT đang thanh toán đều sẽ được điều chỉnh giá trong Thông tư này.
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, cho biết, để tránh việc tăng viện phí sẽ gây sốc cho người bệnh, Bộ Y tế dự kiến lộ trình thực hiện việc điều chỉnh viện phí này theo các bước như sau: Trong năm 2015 (dự kiến cuối tháng 11 đầu tháng 12), khi Thông tư ban hành có hiệu lực thì thực hiện theo mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật).
Đến năm 2016: giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018: giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020: giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Theo Thông tư mới giá dự kiến tăng trong năm 2015 bao gồm: Giá khám bệnh theo hạng BV; Giá ngày giường theo hạng BV và chuyên khoa. Các khoa chi phí nhiều như cấp cứu, Hồi sức sẽ được quy định cao hơn và giá dịch vụ kỹ thuật sẽ áp dụng chung cho các hạng BV.
Giải thích về điều này, ông Nam Liên cho hay, chi phí cho một kỹ thuật giữa các BV là như nhau. Nhưng trước đây các BV tuyến huyện thường bị quy định rất thấp, dẫn đến việc thu không bù chi nên BV tuyến dưới không triển khai dịch vụ.
Sẽ tăng giá 1800 dịch vụ y tế - Ảnh minh họa |
Đối tượng chịu ảnh hưởng khi tăng giá dịch vụ y tế
Theo Thông tư này, trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT, còn đối với người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng theo mức giá hiện nay, trong năm 2016 sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để chính thức điều chỉnh theo giá viện phí mới.
Đối với người có thẻ BHYT tác động đến các nhóm có khác nhau, cụ thể: Khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi vì: Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% (từ 31/12/2014 trở về trước được thanh toán 95% (trừ trẻ em < 6 tuổi được 100%), đồng chi trả 5%) được BHYT thanh toán phần tăng thêm. Không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá.
Đối với người cận nghèo: Đối tượng này đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, hiện nay 40% đã có thẻ BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo, phấn đấu đạt 100% số người cận nghèo tham gia BHYT... Khi đi khám chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước 31/12/2014 chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%) nên mức độ tác động không nhiều.
Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này. Mặt khác, từ 1/01/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Phạm Minh
Ý kiến bạn đọc