(VnMedia) - Bệnh tay chân miệng (TCM) luôn là nỗi lo lắng của gia đình có trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 3 tuổi – 5 tuổi. Đây là nhóm trẻ rất dễ bị lây nhiễm, nhất là môi trường học đường.
Dấu hiệu nhận biết giúp phụ huynh phát hiện sớm trẻ mắc bệnh TCM
Ths. Bs Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi, trẻ bệnh được chăm sóc và theo dõi sát, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ. Việc phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ em cần chú ý những biểu hiện sau đây:
- Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.
- Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh Tay chân miệng là tình trạng loét miệng. Vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, số lượng vết loét rất thay đổi từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2mm – 3 mm. Lóet miệng khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống là lý do trẻ không chịu ăn, không chịu bú, và thường chảy nước miếng liên tục.
- Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 độ C - 38 độ C. Tuy nhiên có những trẻ bị sốt cao trên 39độ C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị TCM đã nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị tốt hơn.
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ trên phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để trẻ được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly chăm sóc hợp lý.
Ảnh minh họa |
Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh TCM tại nhà
Thực hiện việc cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh – trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm
- Trẻ xác định đã mắc bệnh TCM phải được nghỉ học để được cách ly với trẻ lành từ 7 ngày – 10 ngày nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường.
- Sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.
Thực hiện việc giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ bệnh giúp trẻ mau lành bệnh
- Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng nước sạch giúp hạn chế sự lan truyền bệnh TCM cho trẻ lành và ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm vi khuẩn có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ.
- Khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy giúp trẻ không bị lây nhiễm từ đôi bàn tay.
Tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ khỏe mạnh hơn
- Người chăm sóc trẻ như cha mẹ, ông bà, người giữ trẻ…cần giữ sạch đôi tay để không gieo rắc vi rút gây bệnh cho trẻ.
- Đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ cần phải được tẩy trùng sạch sẽ bằng những dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2%, dung dịch nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn để tạo tính an toàn cho trẻ khi sử dụng.
Sử dụng thuốc điều trị tại nhà sẽ tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
Bổ sung nguồn nước uống cho trẻ nhất là các loại nước trái cây ép chứa nhiều vitamin.
Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?
- Sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực.
- Giật mình chới với, hốt hỏang, thất thần.
- Run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm).
- Yếu chi.
- Trẻ đi đứng loạng choạng.
- Trẻ đảo mắt bất thường.
- Nôn ói nhiều.
- Quấy khóc (dỗ không nín).
- Co giật.
- Thở mệt.
8 nguyên tắc quan trọng phòng bệnh tay chân miệng
Rửa tay sạch sẽ cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch.
Không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung thìa bát.
Luộc sôi hoặc ngâm dung dịch Chloramin B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch.
Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, dung dịch Chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường.
Người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng hoặc mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc loét niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm.
Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 7 ngày. Thu gom xử lý phân của trẻ bằng Chloramin B, vôi bột hoặc tro bếp… Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ.
Phạm Minh
Ý kiến bạn đọc