Bệnh lý tim mạch: "Thủ phạm" gây tử vong hàng đầu ở người lớn

07:31, 26/10/2015
|

(VnMedia) - Đó là thông tin được đề cập tại Hội nghị Tim mạch học can thiệp Toàn quốc lần thứ 4 do Bộ Y tế và Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bệnh lý tim mạch và ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn. Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng số gánh nặng bệnh tật và 72% số trường hợp tử vong mỗi năm. Trong đó tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch chiếm 30%. Điều đáng báo động là tình trạng tử vong do các bệnh tim mạch chủ yếu là do không được can thiệp kịp thời.

Theo thống kê của Hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam, cứ 3 người Việt Nam trưởng thành có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi năm, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong do bệnh tật tại Việt Nam. Dự báo, đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Đáng lưu ý, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người trẻ từ 25 tuổi đang gia tăng, chiếm 21,5% tổng số ca mắc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cách đây 30 năm, nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất hiếm gặp nhưng ngày nay, bệnh này đã trở nên phổ biến, là bệnh lý gặp hàng ngày trong mọi bệnh viện trên toàn quốc. Có thể khẳng định, tim mạch can thiệp đang và sẽ là chuyên ngành mũi nhọn trong ngành tim mạch học Việt Nam và là chính sách y tế công cộng cần được chú trọng trong thời gian tới.

Điều đáng ghi nhận là các bác sĩ đã ứng dụng sáng tạo khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới vào điều kiện của Việt Nam, giúp người dân được tiếp cận kỹ thuật tiên tiến mà không phải ra nước ngoài điều trị. Các bệnh viện tỉnh cũng được chuyển giao công nghệ để điều trị bệnh nhân hiệu quả, kịp thời ngay tại địa phương, giảm chi phí cho người bệnh.

Với chủ đề “Giải pháp tốt nhất từ giường bệnh đến can thiệp”, tại Hội nghị, 6 ca can thiệp tim mạch điển hình được truyền hình trực tiếp từ Bệnh viện Tim Hà Nội để phục vụ các phiên thảo luận. Đó là các ca: Bít lỗ thông liên thất; Can thiệp thân chung động mạch vành; Phẫu thuật cầu nối chủ vành; Can thiệp chỗ chia nhánh động mạch vành; Điều trị rối loạn nhịp bằng 3D và Can thiệp động mạch ngoại biên. Đây là cơ hội quý báu để các bác sĩ có thể theo dõi trực tiếp quá trình can thiệp tim mạch và trao đổi, chia sẻ về những kỹ thuật can thiệp để điều trị các bệnh lý tim mạch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, Bộ Y tế có chương trình bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc từ tuyến các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chuyển giao cho kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh.

Vì thế, từ một vài trung tâm tim mạch can thiệp ở các thành phố lớn, đến nay đã có 50 đơn vị can thiệp tim mạch khắp cả nước, giúp cho người bệnh có thể chữa bệnh tại địa phương mà không cần chuyển lên tuyến trên và giúp nhiều người bệnh không phải ra nước ngoài chữa bệnh tốn kém tiền của.

Triệu chứng bệnh tim

Mệt mỏi cực độ: Trước khi bệnh phát tác 1 vài tuần thì cơ thể có cảm giác mệt mỏi như bị sốt, cảm. Cảm giác mất hết sức lực, không còn sức để bê, vác, cầm 1 số đồ vật .

Cơ thể đau nhức toàn thân: Có cảm giác căng nhức xung quanh tất cả vùng ngực. Cảm thấy đau tức, bị chèn ép các vùng ở xương ức, vai, cổ

Chóng mặt, buồn nôn: Khi mắc bệnh, người bệnh có cảm giác chóng mặt, tiêu hóa không tốt, nôn mửa.

Đổ mồ hôi nhiều, liên tục, thường xuyên: Thường bị đổ mồ hôi trong các trường hợp không rõ nguyên nhân và ra mồ hôi nhiều.

Khó thở: khi gặp hiện tượng này thì cần chú trọng cẩn thận hơn, vì đây là hiện tượng thường gặp nhất đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim.

Mất ngủ thường xuyên: Khi có hiện tượng mắc bệnh thì người bệnh thường lâm vào trạng thái khó ngủ, dễ tỉnh giấc vào ban đêm và rồi không ngủ được nữa, đây cũng có thể là hiện tượng nguy cơ xảy ra mắc bệnh động mạch vành; Cảm giác lo lắng, bồn chồn.

K.T


Ý kiến bạn đọc