10 tháng năm 2015: 21 người tử vong do ngộ độc thực phẩm

07:11, 27/10/2015
|

(VnMedia) - Chiều 26/10, Cục An toàn thực phẩm tổ chức họp báo công bố kết quả thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và tình hình các vụ ngộ độc xả ra liên tiếp gần đây.

Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết: Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay đang rất đáng lo ngại. Theo thống kê trong 10 tháng, có đến 10% mẫu rau, củ, quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép. Vụ việc gần đây nhất đã khiến cho 48 công nhân của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Youngor Smart Shirts Việt Nam (khu công nghiệp Mỹ Trung, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) phải nhập viện vào ngày 6/10, nguyên nhân đã được các cơ quan chức năng kết luận là do thực phẩm trong xuất ăn bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng cho phép.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.077 người mắc, 21 người tử vong.

Trong số đó, riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người mắc, 2.268 người đi viện. Trong đó, có 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn (đặt dịch vụ) không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do bếp ăn tại chỗ.

Chỉ tính riêng từ ngày 25/9 đến 25/10, cả nước liên tiếp xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm, với tổng số 383 người mắc khiến 376 người phải nhập viện. Trong đó có 7 vụ ngộ độc do vi sinh vật (điều kiện bảo quản thực phẩm không đảm bảo…), 3 vụ do độc tố tự nhiên (như ăn cóc, nấm độc…) và 3 vụ chưa xác định nguyên nhân..

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sẽ xử phạt nghiêm các cơ sở vị phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo khuyến cáo của tổ chức WHO, nếu một lao động ăn đủ khẩu phần ăn thì năng suất lao động sẽ tăng 20%.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành văn bản gửi các Sở Y tế và Chi cục An toàn thực phẩm trong cả nước, đề nghị tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm trong những tháng cuối năm và công bố công khải để người dân biết. Đối với các đơn vị trực thuộc Cục tại 63 tỉnh, thành trong nước nếu không thực hiện đúng công tác kiểm tra, không báo cáo kịp thời về các vụ việc ngộ độc cũng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Ngoài việc giám sát các cơ sở chế biến, cung cấp xuất ăn sẵn, cần phải chú trọng công tác tuyên truyền để người sử dụng lao động ý thức được tầm quan trọng trong việc đảm bảo đủ khẩu phần ăn cho công nhân. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, nếu người công nhân được ăn đủ khẩu phần sẽ giúp tăng năng suất lao động khoảng 20%; trong khi đó, kết quả điều tra của Viện Dinh Dưỡng thì khẩu phần ăn trung bình hiện nay của người công nhân tại các khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.

Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã kiến nghị với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động về việc tăng khẩu phần ăn cho công nhân tại các khu công nghiệp; khuyến cáo các khu công nghiệp nên có bếp ăn tập thể, tăng cường công tác công đoàn tại cơ sở...

Minh Hải


Ý kiến bạn đọc