Lý do khiến trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm vào mua hè?

06:43, 31/05/2014
|

(VnMedia)  - Mùa hè nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn gây ngộ độc thực phẩm cho trẻ. Nôn mửa, tiêu chảy, sốt, đau quặn... là các triệu chứng mà bé gặp phải. Cha mẹ có cách xử lý kịp thời nếu không bệnh trở nên nghiêm trọng.

 

Ngộ độc thức ăn xảy ra khi trẻ ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn. Nếu không được quan tâm đúng và xử trí thích hợp ngộ độc thức ăn có thể làm cho trẻ bị rối loạn điện giải, hạ đường huyết, sốt, thậm chí là co giật...

 

Khi bị ngộ độc thức ăn trẻ thường có các biểu hiện như nôn ói, đau bụng và tiêu chảy.... Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc từ 1 giờ đến 3 ngày. Trẻ có thể nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày. Đau bụng dữ dội, quặn từng cơn sau đó đi tiêu chảy, triệu chứng đau quặn bụng thường xảy ra trước lúc đi ngoài. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn mửa nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn.

 

Thông thường, trẻ bị nôn nhiều và đau bụng nếu căn nguyên do độc tố. Còn do vi khuẩn, triệu chứng tiêu chảy sẽ nổi bật hơn. Nôn, tiêu chảy nhiều thường dẫn đến rối loạn nước và điện giải, đặc biệt ở trẻ em nhỏ. Sốt, đi ngoài phân nhày máu là dấu hiệu nhiễm khuẩn gây tổn thương ruột. Ngoài ra, trẻ bị ngộ độc thức ăn có thể biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não..

 

Những nguyên nhân chính gây ngộ độc ở trẻ

 

- Thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Bộ máy tiêu hóa của trẻ còn chưa hoàn thiện nên dễ bị ngộ độc.

- Ăn phải thực phẩm chứa độc tố ( như độc tố từ cóc, cá nóc), hoặc thực phẩm dễ bị nhiễm độc trong quá trình chế biến, bảo quản như nhiễm hóa chất, thuốc bảo quản.

- Ngộ độc thực phẩm do hóa chất như ăn thức ăn nhiều hàn the, formol, thuốc trừ sâu, màu thực phẩm sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bé, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.


 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.

 

Xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

 

- Nếu trẻ ngộ độc thức ăn được dự đoán trong vòng 2-4 giờ thì đưa ngay tới bệnh viện để khám. Nếu chưa đưa đi khám thì có thể dùng ngón trỏ hoặc đũa để kích thích vào sau yết hầu của trẻ để nôn ra. Cố gắng làm nôn ra hết thức ăn trong dạ dày của trẻ để đề phòng độc tố nhiễm sang đường hô hấp.

- Nếu thời gian ngộ độc từ 4 giờ trẻ lên, tốt nhất là đưa đi khám, vì điều kiện nào đó không khám được thì có thể cho trẻ uống nhiều nước sôi để nguội có pha muối loáng, đồng thời kết hợp biện pháp khác cho trẻ nôn ọe ra.

 

- Đối với khả năng nghi ngờ có biến chất độc tố hoặc vẫn còn thực phẩm độc tố, lập tức dừng các tác động bên ngoài, nên bảo vệ nguyên vẹn và đưa trẻ vào ngay cơ sở y tế cấp cứu, đồng thời báo cáo bộ phẩm kiểm dịch để xác định xét nghiệm mức độ ngộ độc.

 

Ngộ độc ở trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau và ngộ độc ở mức độ khác nhau. Do vậy, biện pháp tốt nhất vẫn là sau khi sơ cứu thì lập tức đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu chẩn trị để tránh xảy ra hiện tượng chữa sai bệnh tình của con trẻ, nguy hại tới tính mạng.

 

Biện pháp phòng tránh

 

- Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không nên dùng thức ăn mà bạn không biết chắc về thời hạn sử dụng, tuyệt đối không nên “tiếc của” với món đã có mùi lạ.

 

- Khi mua thức ăn về chế biến tại nhà, nên chọn những thức ăn tươi sống. Chọn thức ăn chế biến an toàn, tránh những thức ăn ô nhiễm. Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận và hâm kỹ thức ăn cũ trước khi ăn để tiêu diệt vi khuẩn mới nhiễm.

- Nên uống nước pha từ nước nấu sôi, nước đá sạch, nước đá tinh khiết, có thể dùng nước uống đóng chai như nước khoáng, nước ngọt nhãn hiệu uy tín.

- Với trái cây, nên gọt vỏ hoặc rửa kỹ bằng nước sạch trước khi ăn.

- Thức ăn đóng gói phải còn hạn sử dụng, có tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, mua ở cửa hàng có điều kiện bảo quản tốt.

-Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn… Rửa tay bạn sạch sẽ trước khi chế biến cũng như rửa tay cho trẻ trước khi ăn. Không để thức ăn quá 1 giờ trong môi trường mùa hè nóng nực.  

- Khi đi ăn hàng quán, cần chọn những nơi có uy tín, chỉ nên ăn những món đã nấu chín, mới chế biến.

- Trong hành trang du lịch của gia đình, nên kèm theo vài gói Oresol để kịp thời bù nước khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc