Đã có 130 trường hợp tử vong do sởi

12:52, 30/04/2014
|

(VnMedia) - Tối 29/4, Bộ Y tế cho biết, ngày 29/4, cả nước ghi nhận thêm 33 trường hợp mắc sởi xác định. Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.784 trường hợp mắc sởi xác định trong số 11.799 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Mặc dù trong ngày không ghi nhận trường hợp tử vong có liên quan đến sởi nhưng bệnh viện Bạch Mai báo cáo bổ sung 2 trường hợp tử vong ở Hà Nội vào ngày 25 và 26/4. Theo đó, từ đầu năm đến nay có tổng cộng 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 130 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến dịch bệnh này.

Số bệnh nhân nhập viện mới trong một số ngày gần đây đã giảm hơn nhiều so với những ngày đầu tháng 4, tuy nhiên số bệnh nhân đang điều trị giảm không rõ rệt, chủ yếu là những bệnh nhân nặng, điều trị dài ngày. Hiện có 390 bệnh nhân đang được điều trị; trong đó tập trung đông nhất tại bệnh viện Nhi Trung ương với 240 bệnh nhân, tiếp đến là bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với 85 bệnh nhân, 65 bệnh nhân khác đang được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

Trong ngày hôm nay, có 15 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới.

Về tình hình điều trị, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay có 240 bệnh nhân đang điều trị sởi. Số bệnh nhân nghi sởi nhập viện mới trong ngày là 32 trường hợp.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đang điều trị sởi là 65 trường hợp, số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày có 8 trường hợp.

Hiện nay, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 85 bệnh nhân đang điều trị sởi, đáng lưu ý số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày là 40 trường hợp.

Kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắcxin sởi phòng chống dịch và tiêm vét vắcxin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 29/4 là 83%, tăng 5,6% so với ngày 28/4. Trong đó, khu vực miền Bắc có tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi cao nhất là 94%, tiếp đến là khu vực miền Trung (87%), Tây Nguyên (84%) và miền Nam (69%).

12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi cao trên 95% là Quảng Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Yên, Cần Thơ, Tiền Giang, Hải Dương, Cà Mau, Đắc Nông, Ninh Bình, Kon Tum, Hậu Giang.

Có 8 tỉnh, thành phố còn lại đạt tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi từ 60-70% là: Cao Bằng, Bình Thuận, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Thái Nguyên, Bình Định, Bình Phước.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 29/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị KimTiến đã thừa nhận thiếu sót của ngành y tế qua trận dịch sởi. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ về những bài học kinh nghiệm của ngành y tế qua dịch sởi vừa bùng phát. Bộ trưởng cho rằng, bài học lớn nhất và Bộ cũng đã nhận khuyết điểm đó là công tác truyền thông chưa hiệu quả. Nếu hiệu quả, người dân đi tiêm chủng với tỷ lệ cao hơn, dịch không xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc lại thực trạng, hầu hết các trường hợp mắc sởi xảy ra trên trẻ không tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ. Tỷ lệ tử vong tương đối cao, tập trung ở bệnh viện nhi đầu ngành, trong đó 50% trường hợp tử vong là sống ở Hà Nội.

Tại sao tử vong cao như vậy? Theo Bộ trưởng, nguyên nhân khách quan xuất phát từ việc bệnh viện đầu ngành nên nhận bệnh nhân nặng nhất của cả nước, những bệnh tử vong cao như tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bại não…

Thứ hai là phân tuyến, người dân tập trung vào Bệnh viện Nhi Trung ương rất đông. Cùng với đó, khí hậu miền Bắc đợt vừa rồi ẩm, lạnh đã tạo nên nhiễm trùng.

Bệnh sởi thông thường tử vong không cao, nhưng do có bội nhiễm, lây nhiễm chéo khiến tử vong cao. Nếu tuyên truyền tốt, bệnh nhẹ có thể điều trị ở cơ sở tuyến dưới mà không cần lên Viện Nhi Trung ương, không để dồn cục tại đây.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc