(VnMedia) - Phía Mỹ vừa lên tiếng khẳng định sẽ không dừng hoạt động tìm và diệt tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, cho dù có sự hiện diện của các máy bay chiến đấu Nga tại quốc gia Trung đông này.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - John Kirby nói: "Liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ tiếp tục chiến dịch không kích tại Iraq và Syria như kế hoạch ban đầu để tiêu diệt tổ chức khủng bố IS".
Những chiếc Su-34 Fullback được Nga tung vào Syria săn tìm khủng bố IS |
Cũng theo ông John Kirby, một quan chức Nga tại Baghdad đã thông báo việc Nga lần đầu tiên triển khai máy bay tại Syria với Đại sứ Mỹ chỉ 1 giờ đồng hồ trước khi chiến dịch oanh tạc IS được Moscow triển khai.
"Quan chức Nga còn yêu cầu các máy bay Mỹ và liên quân tạm dừng mọi hoạt động của mình, để nhường lại không phận của Syria cho các máy bay chiến đấu của Nga", ông John Kirby nói thêm.
Đánh giá về động thái mới nhất của Nga tại Syria, một quan chức quân sự cấp cao Mỹ nhận định, việc Moscow thông báo quá gấp thời gian triển khai đợt oanh kích đầu tiên tại Syria không thể giúp tránh những xung đột có thể xảy ra trên bầu trời Syria.
Quan chức này cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp và nói chuyện trực tiếp về vấn đề này với ông Sergei Lavrov - người đồng cấp bên phía Nga hiện đang có mặt tại New York tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
"Ông Kerry sẽ chuyển tới phía Nga thông điệp rõ ràng. Mỹ sẽ không dừng bất cứ hoạt động không kích IS của mình tại Iraq hay Syria. Chính vì vậy hai bên sẽ phải ngồi lại để đàm phán và tránh khả năng xung đột, va chạm giữa các bên đang tham gia cuộc chiến chống IS", quan chức Mỹ cho biết.
Trước đó, trong ngày hôm qua (30/9), Nga đã điều một loạt chiến đấu cơ tối tân của mình, mở đợt tấn công đầu tiên nhắm vào các căn cứ, khu trú ẩn, nhà xưởng, kho chứa xăng, vũ khí.... được cho là của nhóm khủng bố IS. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thông tin này và cho biết, máy bay Nga đã thực hiện khoảng 20 đợt xuất kích.
Đại diện NATO khẳng định trước báo giới, phía Nga gần như độc lập hoàn toàn trong đợt tấn công đầu tiên của mình và gần như không có bất cứ sự hợp tác nào với liên quân.
Khói bốc cuồn cuộn sau đợt không kích của máy bay Nga tại thị trấn Talbiseh, Syria |
Trong lúc này, đang xuất hiện những thông tin Mỹ lo ngại việc Nga tấn công IS thực chất chỉ là vỏ bọc che đậy một kế hoạch khác của nước này. Theo đó, Nga sẽ hướng mục tiêu của mình vào các lực lượng chống đối chính quyền của Tổng thống Assad vốn thân với Moscow.
Phía NATO cũng đồng thuận với lo ngại trên vì theo họ, các địa điểm máy bay Nga oanh tạc gồm các thị trấn như Zafaraneh, Rastan hay Talbiseh đều không phải là nơi nhóm IS đang chiếm đóng.
Ngay sau đợt không kích đầu tiên tại Syria, Tổng thống Nga Putin đã xuất hiện trên truyền hình, làm rõ mọi nghi ngại của phương Tây. "Các cuộc tấn công của máy bay Nga đều nhắm vào tổ chức IS. Nga sẽ không nhượng bộ dù đó là các tay súng nước ngoài. Vì chính họ là mối nguy với các nước cũng như Nga nếu trở về quê hương".
Nga quyết định đưa máy bay tham chiến tại Syria chỉ ít ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Obama tại New York. Lãnh đạo 2 cường quốc đều cam kết sẽ nỗ lực hết sức để tiêu diệt khủng bố IS nhưng lại bất đồng quan điểm về tương lai của Syria dưới thời Tổng thống Bashar Assad.
Ông Obama một lần nữa tái khẳng định yêu cầu Tổng thống Bashar Assad nên từ nhiệm để chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài tại Syria hơn 4 năm qua. Trong khi đó, Tổng thống Putin lại ủng hộ ông Bashar Assad tiếp tục nắm quyền.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Ashton Carter thì nhận định, hành động đưa quân của Nga vào Syria chẳng khác nào "đổ dầu vào lửa", khiến tình hình tại quốc gia này thêm rối ren. Ông Carter cũng cảnh báo, Nga sẽ sớm vỡ mộng với chính sách về Syria của mình.
Trước đó, hôm 10/9, Nga đã triển khai 2 tàu đổ bộ, máy bay và một nhóm nhỏ lực lượng lính thủy đánh bộ tới cảng Tartus, Syria. Phía Mỹ cũng khẳng định, vệ tinh đã chụp được hình ảnh hai tàu quân sự Nga đang dỡ "nhiều gói hàng" bí mật cùng hơn 100 binh sỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho biết, Nga đã điều một máy bay cỡ lớn tới sân bay Assad, gần Latakia, nơi một tổ hợp nhà lắp ghép được dựng nên từ trước và có sức chứa tới hàng trăm người. Điều đó khiến Mỹ nghi ngờ Nga có thể sắp thiết lập căn cứ quân sự tại đây.
Nga và Syria vốn có quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều phương diện trong nhiều năm qua. Nga thậm chí còn thuê căn cứ quân sự Tartus từ năm 1971 tới nay và đây hiện vẫn là căn cứ quân sự duy nhất của Nga tại Địa trung Hải.
Ý kiến bạn đọc