(VnMedia) - Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine hôm qua (2/9) đã thông qua một học thuyết quân sự mới, trong đó tuyên bố Nga là "đối thủ quân sự, là kẻ thù, kẻ xâm lược" đối với Ukraine. Bản học thuyết mới còn kêu gọi nước này theo đuổi con đường gia nhập NATO - một liên minh quân sự đang đối đầu quyết liệt với Nga. Đây rõ ràng là một hành động đầy thách thức của Kiev nhằm vào Moscow trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước láng giềng đang xấu đi nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Kiev chính thức coi Nga là "đối thủ quân sự, là kẻ thù, là kẻ xâm lược". Hành động thách thức này được cho là sẽ khiến Moscow nổi giận. |
Hãng thông tấn Ukrainskiye Novosti của Ukraine đưa tin, trước đó, hôm 1/9, chính phủ Ukraine đã gửi bản phác thảo học thuyết quân sự mới lên Hội đồng An ninh Quốc gia.
Theo Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, "lần đầu tiên trong lịch sử nền độc lập của Ukraine, bản phác thảo học thuyết quân sự mới đã xác định rõ được kẻ thù và kẻ xâm lược của Ukraine. Đó là Nga”.
Sau khi được Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine thông qua, bản phác thảo học thuyết quân sự mới sẽ được trình lên để Tổng thống Petro Poroshenko ký thành sắc lệnh, Thủ tướng Yatsenyuk giải thích tại một cuộc họp báo ở thành phố miền nam Odessa.
Hôm 25/8, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, cơ quan này đã hoàn tất việc soạn thảo những tài liệu kế hoạch quân sự chiến lược gồm có: Học thuyết Quân sự Ukraine; Khái niệm Phát triển An ninh và Quốc phòng Ukraine; Khái niệm Chương trình Quốc phòng Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Vũ khí và Khí tài Quân sự cho Lực lượng Vũ trang Ukraine giai đoạn từ 2015-2020; cũng như Bản tin Quốc phòng Chiến lược của Ukraine.
Nga chưa có phản ứng chính thức gì về việc họ bị Ukraine coi là “đối thủ quân sự, là kẻ thù, kẻ xâm lược”. Việc Kiev thể hiện khát khao trở thành thành viên của NATO trong học thuyết quân sự mới cũng là một vấn đề vô cùng nhạy cảm với Moscow.
Học thuyết quân sự của Ukraine được đưa ra đúng thời điểm tình hình ở quốc gia Đông Âu đang rối loạn và chia rẽ sâu sắc vì nỗ lực của Tổng thống Petro Poroshenko trong việc thay đổi hiến pháp nhằm phân quyền về các khu vực. Sự thay đổi này sẽ mở đường cho việc Kiev trao quy chế tự trị đặc biệt cho các khu vực miền đông Ukraine.
Phương Tây đang gây sức ép để chính quyền của Tổng thống Poroshenko thông qua những thay đổi hiến pháp mà họ coi là mấu chốt để tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, những thành phần phản đối nỗ lực trên cho rằng, việc thay đổi hiến pháp để trao quy chế tự trị cho các khu vực miền đông Ukraine đồng nghĩa với sự đầu hàng trước Nga.
Kiev xoa dịu thành phần chống đối?
Nhiều ý kiến cho rằng không rõ có phải Kiev cố tình đưa ra học thuyết quân sự mới vào thời điểm này để làm dịu đi sự chống đối mạnh mẽ của các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc đối với kế hoạch thay đổi hiến pháp trong vấn đề phân quyền hay không? Học thuyết quân sự mới của Ukraine hiện đang đợi chữ ký thông qua của Tổng thống Poroshenko.
Tại cuộc họp của hội đồng an ninh, Tổng thống Poroshenko đã nói rằng, học thuyết mới “không chỉ chính thức xác định Liên bang Nga là một đối thủ quân sự của Ukraine, mà còn đặt ra nhiệm vụ tái tổ chức lại các đơn vị quân đội và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết ở các khu vực miền đông và nam Ukraine”.
Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 16 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.
Việc chính quyền Kiev đối đầu không khoan nhượng với Moscow được cho là một chính sách không có lợi. Một số nhà phân tích tin rằng, nếu biết tạo sự cân bằng trong chính sách, Kiev sẽ được hưởng lợi từ cả mối quan hệ với phương Tây lẫn với Nga.
Ý kiến bạn đọc