EU tỉnh giấc mộng Ukraine?

20:14, 04/09/2015
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) cuối cùng đã “tỉnh giấc” trước thực tại về tình cảnh thảm hại của nền kinh tế Ukraine cũng như nền chính trị yếu kém của nước này. Mặc dù vậy, EU vẫn cố tiếp tục theo đuổi con đường đứng sau hậu thuẫn cho giới lãnh đạo Kiev. Đây là nhận định vừa được Đại sứ Nga tại EU đưa ra hồi giữa tuần.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


“Tôi cho rằng, họ đã bắt đầu tỉnh giấc mộng và hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra ở Ukraine … Tất nhiên là họ đã cố gắng tìm cách làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của vụ bạo lực ở Mukachevo gần đây, nhưng tôi chắc rằng những sự kiện ở đó vẫn ám ảnh Brussels. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là EU sẽ từ bỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Kiev,” Đại sứ Vladimir Chizhov đã nói như vậy với hãng tin RIA Novosti bên lề diễn đàn Châu ÂU ở Alpbach, Áo.
 
Ông Chizhov cũng cho biết, ông hy vọng kế hoạch dự kiến đến thăm Ukraine của các thành viên trong Uỷ ban An ninh và Chính trị EU sẽ giúp liên minh này “hiểu rõ ràng hơn, tường tận hơn về chuyện gì đang thực sự xảy ra ở đó”.
 
Uỷ ban An ninh và Chính trị EU bao gồm các đại sứ EU và đại diện đến từ những cơ quan chính sách đối ngoại của Châu Âu.
 
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước đó cho biết, chuyến thăm của phái đoàn Châu Âu dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang diễn ra theo chiều hướng ngày một xấu đi thay vì đạt được những tiến triển như phương Tây kỳ vọng. Không chỉ phải đối mặt với tình trạng rộ lên bất thường của các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, chính quyền Kiev còn đang phải nhận “quả đắng” từ các lực lượng cực đoan từng sát cánh chiến đấu bên họ.
 
Hàng ngàn những người theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã tụ tập bên ngoài toà nhà Quốc hội ở giữa thủ đô Kiev hôm thứ Hai đầu tuần (31/8) để phản đối chính quyền sau khi các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ một dự luật thay đổi hiến pháp trong đó cho phép trao quyền tự trị cho các khu vực ở miền đông Ukraine.
 
Làn sóng bạo lực bùng lên ở thủ đô Kiev đã khiến ít nhất 3 nhân viên an ninh thiệt mạng và làm hơn 140 người khác bị thương. Diễn biến này nhắc người ta nhớ lại cảnh tượng của cuộc cách mạng Maidan đẫm máu và hỗn loạn ở trung tâm Kiev cách đây không lâu.
 
Chứng kiến tình hình Ukraine như vậy, các nước đồng minh của chính quyền Kiev gồm Mỹ và các nước EU rõ ràng khó tránh khỏi cảm giác chán nản, tuyệt vọng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, phương Tây vẫn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev.
 
Ngoại trưởng Nga cảnh báo: Đừng đùa với lực lượng cực đoan
 
Những cuộc đụng độ đẫm máu ở thủ đô Kiev gần đây đã cho thấy một thực tế phũ phàng rằng Ukraine có thể sẽ sớm phải đối mặt với một cuộc cách mạng mới, khiến chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko sụp đổ. Viễn cảnh đáng sợ này được nhiều chuyên gia và nhà phân tích cảnh báo. 
 
Trên thực tế, đã từ rất lâu, ngày từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu bùng lên, giới chuyên gia và các nhà phân tích ở các nước, đặc biệt là Nga, đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về việc các nhóm cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc sớm muốn sẽ trở thành mối hoạ đáng sợ đối với Kiev.
 
Mới đây nhất, phát biểu trong cuộc gặp với các sinh viên của Viện Quan hệ Quốc tế ở thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lại một lần nữa nhắc nhở Kiev về mối đe doạ từ các thành phần cực đoan, hiếu chiến. "Tôi đã theo dõi những gì xảy ra ở Ukraine hôm 31/8. Các bạn biết đây, theo Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, các thành viên cực đoan của Đảng Svoboda là lực lượng phải chịu trách nhiệm về các tội ác ở Kiev, về việc giết hại 3 nhân viên an ninh và làm thương hàng chục dân thường".
 
"Vì thế, người ta không thể giỡn chơi hay đùa cợt với các thành phần cực đoan dù ở bất kỳ đâu. Điều này liên quan đến cả Đảng Svoboda và nhóm Cánh Hữu", nhà ngoại giao hàng đầu nước Nga thẳng thắn cảnh báo.
 
Các nhóm cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc nổi lên là một thành phần chủ chốt trong cuộc nổi dậy Maidan hồi đầu năm ngoái đồng thời cũng nổi danh là một trong những thành phần hung hăng nhất trong các cuộc giao tranh đường phố dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Yanukovych. Sau đó, chính các nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan đó lại là thành phần chiến đấu ác liệt nhất ở miền đông Ukraine.
 
Tuy nhiên, sau cuộc cách mạng Maidan và sau khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine bắt đầu lắng dịu nhờ nỗ lực của cộng đồng quốc tế, các nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Kiev bắt đầu phải đối mặt với thực tế chật vật nhằm tìm chỗ đứng chính trị ở Ukraine.
 
Nếu như trong các cuộc biểu tình ở Maidan hay các cuộc giao tranh, đụng độ ở miền đông Ukraine các thành phần cực đoan tỏ ra hữu dụng với chính quyền Kiev, thì vào thời điểm này, khi Tổng thống Poroshenko củng cố chính quyền và bắt đầu tiến hành các cuộc cải cách thì các nhóm trên trở thành “cái gai” nhức nhối mà chính quyền đang muốn nhổ bỏ. Lý do là các nhóm cực đoan luôn thể hiện một lập trường cứng rắn, hiếu chiến, gây cản trở cho tiến trình thiết lập hoà bình và tái thiết lại đất nước ở Ukraine. Kết quả là giữa Kiev và các nhóm cực đoan bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn sâu sắc đến mức khó hoá giải.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc