Khu vực đó được mệnh danh là “Tora Bora của Iraq” để gợi nhắc đến vùng núi hiểm trở đã trở thành thành lũy của Taliban trong cuộc chiến Afghanistan.
Vùng đất hoang vu rộng lớn đó nằm vắt ngang biên giới Iraq-Syria, dài hơn 400km giữa Al-Baaj phía bắc Iraq và Routba gần biên giới Jordan, là địa điểm xung yếu trong cứ địa của IS. Với nhiều thung lũng có sông rạch chạy qua và những ngọn đồi nhiều hang động, vùng đất đó ban cho IS một nơi trú ẩn hầu như khó thể tiếp cận.
Chính trong khu vực chiến lược đó, bao gồm các tỉnh Ninive, Dijla, Ifrit và Al-Jazira của Iraq, Abu Kamal và Deir Ez-Zor của Syria, đặc biệt là tỉnh Furhat của Iraq, là nơi đặt bộ chỉ huy của IS. "Từ khi IS bắt đầu bành trướng, tỉnh Furhat là cứ địa của tổ chức này. Đó là tỉnh quan trọng nhất bởi vì khu vực đó được bảo vệ rất chặt chẽ. Abu Bakr Al-Baghdadi và bộ chỉ huy sống ở đấy, tại những nơi hẻo lánh ít người biết" - chuyên gia Hicham Al-Hachemi cho biết.
Các tay súng IS
Nhà phân tích ngụ tại Baghdad đó còn muốn chính xác hơn khi khẳng định rằng thủ lĩnh nhà nước thế tục tự phong Al-Baghdadi đang sống tại Al-Baaj. Theo ông, hắn đang dưỡng bệnh do bị thương sau một cuộc tấn công của liên quân vào tháng 3/2015.
Lầu Năm Góc tuy xác nhận một cuộc tấn công tại tỉnh Al-Baaj vào mùa xuân nhưng lại không thừa nhận rằng cuộc tấn công đó nhắm vào một nhân vật quan trọng của IS. "Rất khó xác định chặng đường của hắn vì hắn được bảo vệ bởi nhiều lớp an ninh và không sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại. Những bà vợ của hắn còn đảm đương nhiệm vụ thông tín viên. Trong thời gian dưỡng bệnh, hắn được hỗ trợ bởi Abu Alaa Al-Afari gốc gác ở Tal Afar" - Hachemi cho biết.
Từ năm 2004 cho đến nay, không có cường quốc quân sự nào kiểm soát được khu vực này. Sau khi Mỹ tấn công Iraq vào năm 2003 để lật đổ Saddam Hussein và tiêu diệt sự nổi dậy của Al-Qaeda tại Iraq, "Mỹ đã cố kiểm soát khu vực và mất nhiều binh lính. Các bộ tộc ở đấy đã có lịch sử buôn lậu lâu dài về súng đạn và nhất là trâu bò, thực phẩm… Đó là những chiến binh hung hãn mà ngay cả chế độ Hussein cũng không thể kiểm soát được" - Hachemi giải thích.
Khi IS xuất hiện trong vùng ngày 5/1/2014, những chiến binh của chúng không cần nổ một phát súng. "Mọi người đã mở rộng vòng tay đón tiếp chúng. Các chiến binh IS kết hôn với phụ nữ trong vùng và sống cùng các bộ tộc trên một cách bình thường".
Trong một lần đi đến khu vực “Tora Bora của Iraq” vào năm 2009, Hachemi đã nhận thấy người dân ở đây có lối sống giống như IS đề ra: khăn choàng mặt cho phụ nữ, áo thụng và râu rậm cho đàn ông, đặt tên cho trẻ sơ sinh là Oussama (theo tên của Bin Laden) hay Moussab (tên của Al-Zarkaoui, cựu thủ lĩnh Al-Qaeda tại Iraq). Đa số dân chúng không chịu làm việc cho chính phủ và xem người Shiite như những kẻ dị giáo.
"Thanh niên trong bộ tộc đã cải sang Hồi giáo vào thập niên 90 thế kỷ trước. Dưới ảnh hưởng của sự liên kết Arập, những thầy cả và trưởng lão từ đó được đào tạo tại Arập Xêút" - Hachemi giải thích.
Năm 2000, Al-Qaeda đã thiết lập các trại huấn luyện quân sự và những trung tâm Hồi giáo tại Iraq. Hiện nay khu vực này có các trung tâm chỉ huy của IS và nhiều kho vũ khí đạn dược. Nhiều nhà khách được dựng lên để tiếp nhận các chiến binh nước ngoài. Theo Hachemi, nơi đó chủ yếu tiếp nhận trung tâm chỉ huy của các tiểu đoàn đặc nhiệm dưới mệnh lệnh trực tiếp từ Al-Baghdadi.
Có 5 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có từ 350 đến 500 chiến binh, được chia theo quốc tịch và chuyên môn. Đơn vị chiến đấu người Libya được xem như trung thành nhất. Đơn vị quy tụ các kiều dân vùng Vịnh và Bắc Phi lo việc bảo vệ các thủ lĩnh. Người Đông Âu và châu Á đảm nhiệm việc thu gom chiến lợi phẩm, thu thuế và vận chuyển vũ khí. Người Syria có trọng trách bảo vệ cứ địa Rakka ở Syria. Đơn vị chiếm Mossul gồm 90% là người Iraq, là đơn vị tiên phong của IS. Hiện nay chúng đang chiến đấu tại tỉnh Hassaké ở Syria.
Từ khi liên minh bắt đầu oanh kích tại Iraq rồi Syria vào tháng 8-2014, có 19 trong số 43 thủ lĩnh IS đã bị giết. "Họ được thay thế nhưng IS không có nhiều "dự trữ" thủ lĩnh có lịch sử thánh chiến tương xứng với các thủ lĩnh Al-Qaeda" - Hachemi cho biết.
Hiện nay, IS có từ 100.000 đến 125.000 chiến binh tại Syria và Iraq, trong đó từ 13.000 đến 15.000 là người nước ngoài. "Tính đến tháng 2/2015, mỗi ngày có 5 đến 10 tân binh nước ngoài gia nhập IS". Số người Pháp có khoảng 800 người, chủ yếu đóng tại Syria và đảm đương các công việc hành chính, tài chính, truyền thông và tuyển mộ.
Ý kiến bạn đọc