Vì kẻ thù, Mỹ bán đứng đồng minh thân nhất?

17:15, 13/08/2015
|

(VnMedia) - Israel – đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông – có lẽ sẽ không tránh khỏi cảm giác bị tổn thương sâu sắc khi Washington đang thực hiện một chiến dịch vận động mạnh mẽ cho thoả thuận hạt nhân với Iran.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry


Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry hồi tuần trước đã có chuyến công du đến các nước Trung Đông với mục tiêu cao nhất là giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Cụ thể hơn là ông Kerry muốn tìm kiếm một sự ủng hộ cho thoả thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc.
 
Chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Kerry đã thành công rực rỡ khi ông đạt được mục tiêu chính là thuyết phục các nước trong khu vực ủng hộ cho thoả thuận hạt nhân Iran. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đặt rất nhiều kỳ vọng vào thoả thuận với Iran – một thoả thuận được cho là giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tồn tại như một cái dằm cực kỳ khó chịu trong quan hệ giữa Nhà nước Hồi giáo và phương Tây trong suốt nhiều năm qua.
 
Tổng thống Obama hy vọng, thoả thuận hạt nhân Iran sẽ được thông qua và trở thành một di sản trong chính sách đối ngoại của ông này trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo nước Mỹ. Tuy nhiên, thoả thuận này vấp phải sự phản đối vô cùng mạnh mẽ của đồng minh Israel, sự hoài nghi rất lớn của nhiều nước đang đối đầu với Iran ở Trung Đông cũng như của nhiều quan chức trong chính nội bộ nước Mỹ.
 
Giới chức trong chính quyền của ông Obama đang phải ra sức thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ cho thoả thuận hạt nhân Iran. Cùng với đó, Ngoại trưởng Kerry đã phải đích thân thực hiện một chuyến công du đến Trung Đông để kêu gọi sự ủng hộ của các nước trong khu vực cho thoả thuận mà các cường quốc vừa đạt được với Iran trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Để đạt được mục đích nói trên, Ngoại trưởng Kerry đã phải đưa ra một loạt những cam kết, hứa hẹn về an ninh cho các nước ở vùng Vịnh Persia. Ông Kerry tuyên bố sẽ tăng cường bán vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện lực lượng đặc nhiệm, tăng cường tập trận và cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo cho các nước vùng Vịnh để chống lại “các hoạt động gây bất ổn” của Iran ở Trung Đông.

Ông Kerry còn khẳng định với các nước Trung Đông rằng, thoả thuận hạt nhân với Iran là lựa chọn tốt nhất để giải quyết khủng hoảng và rằng nỗ lực này sẽ giúp khu vực trở nên “ổn định hơn và an toàn hơn”.
 
Mỹ thậm chí còn đưa ra tuyên bố chung với các nước thuộc vùng Vịnh Persia, trong đó khẳng định Washington sẽ cân nhắc khả năng dùng vũ lực nếu thấy cần thiết nhằm bảo vệ các nước trong khu vực khỏi những cuộc tấn công.
 
Không chỉ dừng lại ở lời nói, Bộ Ngoại giao Mỹ còn có hành động “ve vuốt” các đồng minh ở Trung Đông như phê chuẩn việc bán các tên lửa tối tân Patriot trị giá 5,4 tỉ USD cho Ả-rập Xê-út, bàn giao cho Ai Cập 8 chiếc chiến đấu cơ F-16s và cam kết viện trợ nhân đạo 62 triệu USD cho Iraq.
 
Sự hào phóng cả về những lời cam kết lẫn “vật chất” nói trên của Mỹ đã đem lại thành công cho chuyến công du của ông Kerry đến khu vực Trung Đông lần này. Các nước thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm 6 thành viên là Ả-rập Xê-út, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, cùng với Ai Cập đều đã thể hiện sự ủng hộ dành cho thoả thuận hạt nhân với Iran. Đây rõ ràng là một chiến thắng cho Ngoại trưởng Mỹ Kerry bởi trước đó những nước trên còn bày tỏ sự quan ngại, sợ rằng thoả thuận này có thể tạo điều kiện cho Iran có được phương tiện để cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.
 
Với sự ủng hộ của GCC, giờ đây chỉ còn Israel là nước duy nhất ở Trung Đông phản đối mạnh mẽ thoả thuận hạt nhân Iran. Như vậy, ông Kerry đã giúp gạt bỏ hàng loạt chướng ngại vật trên con đường tiến tới giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Iran.
 
Mỹ vốn là đồng minh thân nhất của Israel ở khu vực Trung Đông, trong khi Iran là "kẻ thù không đội trời chung" của Mỹ trong suốt nhiều năm qua.
 
Việc Mỹ chìa tay ra với Iran bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của đồng minh Israel đương nhiên là khiến Nhà nước Do Thái đi từ trạng thái ngỡ ngàng, choáng váng đến cảm giác thất vọng, tức giận.
 
Israel còn có cảm giác bẽ bàng hơn nữa khi giờ đây Mỹ đã thuyết phục được các nước Trung Đông ủng hộ cho thoả thuận hạt nhân với Iran, đẩy Israel vào tình trạng “bơ vơ, bị cô lập” trong “cuộc chiến” với Nhà nước Hồi giáo.
 
Israel tin rằng thoả thuận hạt nhân mà 6 cường quốc ký với Iran là một sai lầm mang tính lịch sử, giúp giải phóng cho Nhà nước Hồi giáo để nước này “tiếp tục tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu” trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi con đường chế tạo một quả bom hạt nhân.
 
Tuy nhiên, Israel sẽ không dễ dàng từ bỏ “cuộc chiến” của mình. Nhà nước Do Thái chắc chắn sẽ bắt tay với các thành phần phản đối thoả thuận hạt nhân với Iran trong chính nội bộ chính quyền Mỹ để tìm mọi cách ngăn chặn điều nay. Lâu nay, Israel vẫn coi Iran là mối đe doạ hàng đầu đối với sự tồn vong của Nhà nước Do Thái, nhất là khi Tehran có được vũ khí hạt nhân trong tay. Vì thế, Israel luôn kêu gọi các cường quốc thắt chặt “vòng kim cô” quanh Iran bằng những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất, hà khắc nhất.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc