Tổng thống Ukraine bị đồng minh tạt gáo nước lạnh

18:12, 26/08/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có thể đã cố gắng tìm cách thiết lập một cơ cấu “ba chống một" – Berlin, Paris và Kiev chống lại Moscow – trong chuyến đi ngắn của ông này đến thủ đô Berlin. Tuy nhiên, tham vọng của ông Poroshenko dường như đã thất bại.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Poroshenko


Nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục tung ra hàng loạt lời cáo buộc, tố cáo nhằm vào Nga liên quan đến cuộc nội chiến ở Ukraine. Theo ông Poroshenko, Nga lại vừa đưa một số lượng cực lớn vũ khí vào miền đông Ukraine để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai. Mục đích của Tổng thống Ukraine khi đưa ra lời cáo buộc trên là tìm kiếm một mặt trận chung thống nhất trước Nga, theo đó Pháp và Đức sẽ cùng với Kiev lên tiếng chỉ trích và phản đối Nga.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Poroshenko đã không tránh khỏi cảm giác bẽ bàng khi bị tạt một gáo nước lạnh. Thay vì đồng thanh với ông Poroshenko để lên án Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande không những phớt lờ những lời tố cáo gây sốc của Nhà lãnh đạo Ukraine mà còn từ chối đứng cùng với ông này đề đối đầu với Moscow. Cả bà Merkel và ông Hollande đều phản đối kịch liệt việc cô lập Nga và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hợp tác với Nga để tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
"3 nước chống Nga ư? Không, chính phủ Đức nhấn mạnh. Không ai có thể cắt quan hệ với Moscow thậm chí nếu một cuộc họp mới theo hình thức Bộ Tứ Normandy chưa được lên kế hoạch. Tổng thống Poroshenko phải hiểu rằng, Berlin và Paris trông chờ vào biện pháp ngoại giao, trong đó có việc đàm phán với tất cả các bên liên quan”, báo chí Đức cho hay.
 
Nga, Đức và Pháp luôn khẳng định, cuộc nội chiến ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và không có giải pháp quân sự. Tuy nhiên, giới chức Ukraine không có niềm tin 100% vào giải pháp hòa bình và thường đề nghị phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev.
 
Thỏa thuận Minsk II cũng là lệnh ngừng bắn mới nhất đã được ký kết hồi giữa tháng Hai là nhằm để mở đường cho việc tháo ngòi căng thẳng ở khu vực Donbass cũng như một cuộc cải cách hiến pháp nhằm bảo về các quyền và tự do của những khu vực miền đông Ukraine.
 
Thỏa thuận Minsk đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ lớn nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây khi tình hình bạo lực leo thang nhanh chóng. Cuộc họp ngày 24/8 giữa lãnh đạo ba nước Ukraine, Pháp và Đức ở thủ đô Berlin được cho là nhằm để thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận Minsk, ngăn nguy cơ đổ vỡ lệnh ngừng bắn mà cộng đồng thế giới đặt kỳ vọng.
 
Thủ tướng Merkel yêu cầu Kiev phải thực hiện thỏa thuận Minsk
 
Việc thực hiện thỏa thuận Minsk không diễn ra suôn sẻ. Phương Tây yêu cầu Kiev phải tham gia các cuộc đàm phán với lực lượng ly khai và đem đến chế độ liên bang hóa cho Ukraine.
 
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp với hai nhà lãnh đạo Ukraine và Pháp nhấn mạnh, thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine không được tôn trọng và mọi thứ cần phải được thực hiện để đảm bảo thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình đạt được ở Minsk hồi tháng Hai.
 
"Thỏa thuận ngừng bắn đã không được thực hiện nghiêm túc và điều đó đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều đồng minh", nữ Thủ tướng Merkel cho biết tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
 
"Điều kiện trước hết và tiên quyết là tất cả mọi việc cần phải được thực hiện để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn trở thành một thực tế. Nhiệm vụ này đồng nghĩa với những gì chúng ta đạt được được trong thỏa thuận Minsk và nó phải được tôn trọng”, nữ Thủ tướng quyền lực của Đức nhấn mạnh. Bà Merkel còn nói thêm rằng: “Chúng ta ở đây để thực hiện thỏa thuận Minsk chứ không phải hoài nghi về nó”.
 
Trong một diễn biến khác khiến Tổng thống Poroshenko có thể cảm thấy bẽ bàng và đau lòng khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi đầu tuần tiết lộ Mỹ đang phát đi “tín hiệu” rằng nước này muốn khôi phục lại quan hệ với Nga sau khi mối quan hệ này rơi vào căng thẳng nghiêm trọng trong hơn một năm rưỡi qua vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) năm ngoái đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và vì phương Tây cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
 
Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên đồng thời cũng tung đòn trả đũa vào phương Tây.
 
Tuy nhiên, Nga và Mỹ vẫn có sự hợp tác hiệu quả trong một số lĩnh vực khác, đáng chú ý là trong việc giúp đem lại một thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử giữa Iran với 6 cường quốc hồi tháng trước.
 
Ngoại trưởng Lavrov nói rõ, Moscow để ngỏ khả năng đối thoại nhiều hơn nữa với đối tác nhưng sẽ không bao giờ “cầu xin” một mối quan hệ tốt đẹp hơn. "Nhưng nếu chúng tôi nhận được đề xuất từ đối tác Mỹ về việc khởi động khôi phục lại những kênh đối thoại, các cơ chế cho hợp tác, đối thoại đã bị đóng băng, tôi chắc chắn chúng tôi sẽ đồng ý. Chúng tôi thực ra đã nhận được những tín hiệu như vậy từ Mỹ mặc dù chưa rõ ràng”, ông Lavrov cho hay.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc