(VnMedia) - Sau khi lên tiếng bảo đảm rằng Mỹ sẵn sàng ra tay ở Biển Đông nếu thấy cần thiết, chỉ huy mới của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hồi cuối tuần vừa rồi đã có hành động thể hiện sự cứng rắn “đã nói là làm” bằng việc thực hiện một chuyến bay do thám gây tranh cãi ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Ảnh minh họa |
Hồi tháng 2, Lầu Năm Góc đã bắt đầu tiến hành các chuyến bay do thám bằng máy bay tối tân P-8A Poseidon ở Biển Đông, xuất phát từ các căn cứ quân sự ở Philippines. Là chiếc máy bay do thám tối tân nhất trong kho vũ khí hiện giờ của Lầu Năm Góc, máy bay P-8A Poseidon còn có khả năng tiến hành chiến tranh chống tàu ngầm và tàu nổi.
Các chiến dịch theo dõi, giám sát của Mỹ ở Biển Đông đã khiến chính phủ Trung Quốc tức tối, nổi giận. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ “cư xử có lý lẽ” và chấm dứt ngay “những hành động có ý xấu”.
Tuy nhiên, Washington không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nước này giảm các hoạt động tuần tra, do thám ở Biển Đông. Đi xa hơn, hồi cuối tuần vừa rồi, chỉ huy mới của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Scott Swift đã đích thân tham gia vào một chuyến bay giám sát kéo dài 7 giờ đồng hồ ở Biển Đông.
Theo Đại tá Hải quân Mỹ Charlie Brown – một sĩ quan phụ trách về quan hệ công chúng của Hạm đội Thái Bình Dương, cho biết, Đô đốc Swift "rất hài lòng với các năng lực của máy bay Poseidon."
Chuyến bay của Đô đốc Swift diễn ra sau khi ông này hồi tuần trước vừa có chuyến thăm đến Manila và tại đây ông đã bảo đảm với đồng minh của mình rằng, Mỹ sẵn sàng hành động ở Biển Đông nếu có xung đột nổ ra.
"Tôi rất hài lòng với những gì mà tôi có trong tay khi tiếp nhận vị trí Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương. Chúng tôi đã chuẩn bị và đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào mà Tổng thống thấy cần phải ra tay", ông Swift đã nói như vậy với cánh phóng viên hồi tuần trước.
"Mỹ đã nói rõ nhiều lần rằng nước này không ủng hộ việc dùng vũ lực và doạ dẫm", Đô đốc Swift nói thêm đồng thời khẳng định Lầu Năm Góc đang tái tập trung sức mạnh hải quân vào Hạm đội Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã hoan nghênh những phát biểu của Đô đốc Swift một cách nhiệt thành. Ông này nói, “về mặt quân sự, chúng tôi không là gì đối với Trung Quốc. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải yêu cầu các đồng minh giúp đỡ chúng tôi”, ông Gazmin đã thẳng thắn cho biết như vậy.
Trong một nỗ lực nhằm thay thế phi đội P-3 già cỗi, Hải quân Mỹ có kế hoạch mua một số lượng lớn máy bay P-8A Poseidon. Tuy nhiên, Washington chưa cho biết họ sẽ triển khai bao nhiêu máy bay do thám siêu tối tân này ở Biển Đông.
China on Monday called on Washington not to pick sides in quarrels over the South China Sea, state media said, days after a US naval commander flew over the disputed waters.
Phản ứng trước việc Đô đốc Mỹ thực hiện chuyến bay do thám ở Biển Đông, Trung Quốc hôm qua đã lên tiếng kêu gọi Washington “không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp và hãy hành động tích cực hơn để tăng cường hoà bình và sự ổn định trong khu vực chứ không được làm điều ngược lại”.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường vận chuyển sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Khi tham vọng của Trung Quốc ngày một lộ rõ thì Mỹ cũng bắt đầu công khai thách thức cường quốc Châu Á trên vùng biển chứa tuyến đường hàng hải chiến lược hàng đầu của thế giới. Washington tuyên bố, dù họ không có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông nhưng sẽ quyết bảo vệ sự tự do hàng hải ở khu vực.
Mỹ đã bắt đầu đưa máy bay tuần tra săn ngầm tối tân nhất - P-8A Poseidon ra Biển Đông từ hồi đầu năm nay. Mỹ - đồng minh thân thiết nhất và lâu đời nhất của Philippines, đã cam kết sẽ chia sẻ thông tin nhanh nhất về những gì đang xảy ra ở vùng lãnh hải của Philippines ở Biển Đông khi Trung Quốc đang gia tăng hoạt động ở khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.
P-8A Poseidon là loại máy bay tuần tra săn tàu ngầm tối tân do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Hải quân Mỹ.
Với mục đích phát triển dòng máy bay tuần tra hải quân mới thay thế cho dòng máy bay P-3C Orion đã phục vụ trong biên chế hải quân Mỹ từ những năm 1960, P-8A Poseidon giúp nâng cao đáng kể khả năng trinh sát và tuần tra các vùng biển ven bờ của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, dòng máy bay tuần tra hải quân mới này cũng đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ tác chiến săn ngầm, diệt hạm với trang bị vũ khí thích hợp. Máy bay này được trang bị hệ thống radar tối tân cùng với một loạt ngư lôi và tên lửa chống hạm. P-8A có thể bay xa hơn và thực hiện nhiệm vụ lâu hơn những chiếc P-3.
Được phát triển trên cơ sở máy bay chở khách Boeing 737-800, máy bay P-8A khác biệt với dòng máy bay Boeing 737-900ER ở kết cấu cánh, thiết bị cung cấp điện và một số trang bị điện tử trên máy bay. P-8A có khả năng đạt tốc độ tối đa là 907 km/giờ và tầm hoạt động tới 3.700 km. “Hỏa lực” của dòng máy bay hải quân này là 11 móc treo dưới thân và cánh để lắp bom, tên lửa và ngư lôi tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.
Chiến đấu cơ này có chiều dài 39,47 mét với độ sải cánh 35,72 mét. Nó có trọng tượng không tải là 62.730 kg và trọng lượng tối đa khi cất cánh là 85.370 kg. "P-8A là máy bay chiến tranh chống tàu ngầm và tàu nổi tầm xa tối tân nhất thế giới hiện nay”, Lầu Năm Góc tự tin tuyên bố.
Việc Mỹ triển khai một loại máy bay siêu tối tân như vậy đến Biển Đông để giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của Trung Quốc ở Biển Đông là điều Bắc Kinh không thể không cảm thấy khó chịu, bất an và tức giận.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc